Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) bắt đầu thực hiện liên kết sản xuất cánh đồng mía lớn từ niên vụ 2015-2016 với 7 nhóm liên kết sản xuất trên diện tích 45,9 ha của 32 hộ dân tại 2 huyện Ia Pa và Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Vụ thu hoạch đầu tiên (2016-2017), năng suất mía đạt bình quân 86 tấn/ha, nhóm đạt cao nhất là 130 tấn/ha, lợi nhuận bình quân của các nhóm đạt trên 35 triệu đồng/ha (các hộ sản xuất nhỏ lẻ lợi nhuận bình quân chỉ đạt khoảng 20-25 triệu đồng/ha).
Từ kết quả trên, Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) thuộc TTC Sugar tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên vùng nguyên liệu. Vụ 2018-2019 đã có 45 nhóm liên kết sản xuất, diện tích trên 300 ha của 359 hộ dân, năng suất đạt cao nhất 96 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 25 triệu đồng/ha.
Thu hoạch mía bằng máy tại cánh đồng mía lớn của TTC Sugar
Theo TTC Sugar, khi làm cánh đồng mía lớn, doanh nghiệp được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân có đất đang canh tác manh mún, nhỏ lẻ, liên kết các hộ liền kề để tăng quy mô diện tích, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào canh tác như cơ giới hóa, đầu tư thâm canh. Về phần mình, chính sách đầu tư khuyến khích liên kết sản xuất của công ty đủ hấp dẫn để các hộ dân mạnh dạn tham gia.
Mặc dù vậy, quá trình liên kết sản xuất gặp không ít trở ngại do tâm lý người trồng còn lo mất đất. Tư tưởng về sản xuất mía theo kiểu HTX cũ trước đây còn in sâu vào tâm trí nên không muốn tham gia sản xuất chung mà thích tự canh tác nhỏ lẻ nhằm tận dụng công lao động nhàn rỗi trong gia đình để "lấy công làm lời". Quá trình sản xuất tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro do thiên tai (hạn hán), dịch bệnh trắng lá mía trên vùng nguyên liệu đang phát triển mạnh. Một trở ngại khác là giá đường giảm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của các hộ trồng mía.
Khó khăn là vậy nhưng với nỗ lực của các hộ nông dân và chính sách đầu tư thuê đất cho các hộ nông dân của TTC Sugar đã giúp hình thành nhiều cánh đống mía lớn, trong đó tiêu biểu có một số cánh đồng lớn tại các nhà máy khu vực Tây Ninh như HTX Hoàng Thuận An với diện tích 750 ha hoặc hộ bà Nguyễn Thị Hiệp với diện tích 850 ha ở huyện Dương Minh Châu. Hay cánh đồng mía lớn ở TTC Gia Lai được liên kết từ các thửa ruộng nhỏ lẻ liền kề để thành diện tích từ 5 ha trở lên và tiến hành sản xuất bằng cơ giới, tái đầu tư chăm sóc mía từ 3-4 vụ. Sau khi thu hoạch sẽ tiến hành phân chia lợi nhuận với nông dân theo tỉ lệ diện tích liên kết.
"Việc triển khai cánh đồng mía lớn cũng như đưa máy móc thiết bị vào quá trình canh tác đã phát huy hiệu quả tăng năng suất, giảm thất thoát phân bón vật tư, chi phí canh tác… nên giảm được giá thành sản phẩm" - đại diện TTC Sugar chia sẻ và cho biết thêm, niên vụ 2018-2019 đã ghi nhận những bước phát triển và tốc độ tăng trưởng ổn định. Thời gian tới, công ty sẽ tập trung vào tăng thị phần, giảm giá thành, phát triển các sản phẩm cạnh đường và sau đường, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
TTC Sugar đặt mục tiêu tăng thị phần ở những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, hướng tới chất lượng, an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt hướng đến người tiêu dùng cao cấp. Bên cạnh đó, kênh tiêu dùng và kênh công nghiệp nhỏ đang dẫn dắt đà tăng trưởng của TTC Sugar với mức tăng trưởng cao (20%/năm). Kênh xuất khẩu hướng tới tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm. Đến nay, các sản phẩm của TTC Sugar đã có mặt tại châu Âu, Mỹ, Singapore, Malaysia…
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, từ năm 2018, TTC Sugar đã ký kết hợp tác chiến lược với EDF&Man để cung ứng và tiêu thụ sản phẩm đường organic. Đến nay, vùng nguyên liệu đường organic mang thương hiệu TTC Sugar đã được trồng thành công tại Lào.
Bình luận (0)