Mạng lưới sản xuất sạch do CLB Hỗ trợ nông gia (Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp - BSA) thành lập. Tham gia mạng lưới sản xuất sạch gồm những HTX, tổ hợp tác ở 9 tỉnh, thành ĐBSCL sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như: trái cây, rau củ quả, các loại mắm… Từ mạng lưới này sẽ có sản phẩm sạch, đa dạng với nhiều chủng loại đưa đến người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), phản ánh HTX có 18 ha trồng chôm chôm theo chuẩn GlobalGAP nhưng bán chủ yếu qua thị trường Trung Quốc, giá dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg. Khi vào mùa thu hoạch rộ, thương lái Trung Quốc ép giá, nếu không bán, họ chuyển sang mua chôm chôm thường nhưng giá không chênh lệch là bao. HTX cũng có xuất khẩu sang Nga nhưng mỗi đợt chỉ có vài trăm kg, còn nếu bán trong nước không thể kê giá cao hơn chôm chôm thường. Do đó, ông Nhân mong muốn khi tham gia mạng lưới sản xuất sạch sẽ kết nối với nhiều doanh nghiệp để họ bao tiêu, tìm nhiều thị trường, nhất là châu Âu, Mỹ cho trái chôm chôm. “Nếu xuất đi với số lượng lớn mới có lời, thu hút được nhiều xã viên tham gia” - ông Nhân kỳ vọng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX Rau an toàn Hòa Phát (khu vực Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết HTX Hòa Phát có diện tích hơn 5 ha, cung cấp hơn 3 tấn rau an toàn mỗi ngày. Thế nhưng, rau của HTX chủ yếu bán cho các chợ đầu mối ở quận Ô Môn và phường Tân An (quận Ninh Kiều) giá tương đương với các loại rau cùng loại trong khi chi phí sản xuất cao hơn, công sức bỏ ra nhiều hơn.
TS Lê Đăng Trung, Giám đốc điều hành Công ty Phân tích thời gian thực (Real-Time Analytics), cho rằng người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sản phẩm sạch, thiếu lòng tin vì có quá nhiều khâu trung gian. Chính vì những nguyên nhân nêu trên mà vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ hỗ trợ 8 điểm bán hàng nông sản an toàn (22,8 triệu đồng/điểm) nhưng chỉ sau vài tháng đã có 3 điểm ngừng hoạt động.
Theo ông Trần Hoàng Tuyên - Phó Giám đốc BSA, từ trước đến nay, từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm ở ĐBSCL chưa có sự gắn kết với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chủng loại sản phẩm chưa nhiều, số lượng nhỏ, giá cao, mạnh ai nấy làm nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm định… khiến người tiêu dùng e ngại.
Do đó, mục đích chính của mạng lưới này là tập hợp nhu cầu của nhà sản xuất và nối kết chuyên gia về công nghệ, quản trị, truyền thông, các nhà nghiên cứu, các mối nối thông tin cơ hội và cảnh báo rủi ro. Bước đầu, BSA kết nối doanh nghiệp để cung cấp các loại thiết bị, phân vi sinh… với những cơ sở trên để họ hợp tác với nhau.
Ngoài ra, những sản phẩm từ các HTX sẽ được bày bán tại phiên chợ “Xanh tử tế” tổ chức hằng tuần ở TP HCM. Tại đây, các HTX có cơ hội tiếp cận với những người có xu hướng chọn lựa thực phẩm an toàn. “Trong quá trình này, nếu họ có gặp được nhà phân phối lớn thì BSA sẽ hỗ trợ giao dịch như làm hợp đồng, giới thiệu sản phẩm…” - ông Tuyên chia sẻ.
Ông Hồ Quang Cua (DNTN Hồ Quang Trí, tỉnh Sóc Trăng) cho rằng mạng lưới liên kết sản xuất sạch là một sáng tạo nhưng cần mời các nhà khoa học tham gia để họ nghiên cứu kỹ thuật nhằm tiết giảm chi phí sản xuất.
Kết nối thị trường bằng smartphone
Tâm lý người tiêu dùng hiện nay là khi họ mua sản phẩm sạch nhưng lo ngại không biết là thật sự sạch hay không. Chính vì vậy, TS Lê Đăng Trung gợi ý cần có một ứng dụng smartphone (điện thoại thông minh) vào sản xuất và kết nối thị trường. Cụ thể, với ứng dụng này, người tiêu dùng sẽ biết sản phẩm mình ăn hằng ngày có nguồn gốc, xuất xứ như thế nào. Để làm được điều này, cần sự chung tay của nhiều phía.
Bình luận (0)