Trước thông tin thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đánh vào xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ tăng thông qua việc tính thêm các khâu kinh doanh ở nội địa vào giá tính thuế, Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô tại Việt Nam (VIVA) đã phản ứng và cho rằng điều này sẽ gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp (DN), đẩy giá bán ô tô lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu lên cao, người tiêu dùng không được lợi…
Thuế nọ bù thuế kia
Theo đánh giá của các chuyên gia, thuế TTĐB được đề xuất điều chỉnh theo hướng tăng trong bối cảnh thuế nhập khẩu dần được cắt giảm về 0% thì sẽ không làm giá xe tăng lên nếu xét về con số thực tế. Bởi lẽ, thuế TTĐB được tính dựa trên giá CIF nhập về (giá về đến cảng) cộng với thuế nhập khẩu. Nếu thuế nhập khẩu giảm thì giá trị thực tế của thuế TTĐB cũng giảm theo.
Khách hàng tìm hiểu để mua ô tô tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
“Việc điều chỉnh cách tính thuế được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng công thức mới về giá tính thuế TTĐB để bảo đảm công bằng giữa DN nhập khẩu và DN sản xuất trong nước. Bối cảnh để đưa ra ý tưởng này là do thuế nhập khẩu giảm mạnh kéo theo thuế TTĐB cũng bị giảm. Việc bổ sung cơ cấu tính thuế TTĐB nhằm bù đắp lại phần thuế TTĐB bị giảm và cũng nhằm tiếp tục giữ giá xe ở mức cao để bảo hộ sản phẩm trong nước” - đại diện một trung tâm của Bộ Công Thương nêu ý kiến.
Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã lấy thuế nọ bù thuế kia để giảm bớt phần hao hụt theo các cam kết quốc tế. Tức là, giá xe bán trong nước sẽ không tăng lên so với thời điểm hiện tại nhưng người tiêu dùng lại mất cơ hội được mua xe giá rẻ hơn như lẽ ra họ phải được hưởng khi cắt giảm thuế nhập khẩu.
“Công bằng” cho ai?
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng việc các DN nhập khẩu kêu “bị đánh thuế TTĐB 2 lần” là không đúng. Thực tế, từ trước đến nay, thuế TTĐB với xe nhập nguyên chiếc mới tính trên giá CIF, còn đến tay người tiêu dùng thì rõ ràng còn rất nhiều chi phí khác như vận chuyển, quảng cáo, tiếp thị, thuê mặt bằng…
“Trong khi đó, DN trong nước bị tính thuế sản phẩm ở khâu xuất bán. Rõ ràng, việc điều chỉnh cách tính thuế về một góc độ nào đó sẽ đem lại công bằng nhất định cho 2 khối DN kinh doanh ô tô” - đại diện Bộ Công Thương nói.
Cùng quan điểm, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Công ty Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), đại diện DN lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước, cho rằng DN nhập khẩu và lắp ráp cùng phải đánh thuế theo giá bán. “Từ nhập khẩu đến giá bán phải có nhiều chi phí, nếu chỉ đánh theo giá nhập khẩu thì DN trong nước thiệt còn DN nước ngoài và DN nhập khẩu được ưu đãi” - ông Huyên chỉ ra.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là việc đem lại công bằng cho DN sản xuất trong nước bằng cách chiều theo các đòi hỏi của họ, thậm chí đánh đổi bằng quyền lợi mua ô tô giá rẻ của người tiêu dùng liệu có giúp cải thiện được năng lực phát triển ngành ô tô trong nước hay không?
Trong văn bản gửi cơ quan quản lý, VIVA phản ứng hết sức gay gắt về việc bảo hộ. Rằng việc sử dụng sắc thuế TTĐB để bảo hộ cho một mặt hàng cụ thể (mặt hàng ô tô) là chưa đúng với mục đích của sắc thuế này.
“Cần phải đặt một dấu hỏi về hiệu quả của các DN lắp ráp ô tô đã sử dụng ưu đãi của nhà nước như thế nào? Nếu họ không thực hiện đúng cam kết và sử dụng không hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã và đang nhận được thì liệu những ưu đãi tiếp theo (nếu có) có thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đề ra đối với ngành công nghiệp ô tô?” - VIVA đặt câu hỏi.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là kỳ vọng được đi xe giá rẻ từ Hàn Quốc sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết thì cần xin ý kiến của Quốc hội trước khi quyết định thông qua việc điều chỉnh thuế TTĐB với xe nhập chính hãng.
Đề nghị giữ nguyên sắc thuế
VIVA đề nghị giữ nguyên phương thức và giá tính thuế TTĐB theo hướng dẫn hiện hành, qua đó có thể tạo ra tính cạnh tranh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô; giúp ổn định thị trường, người tiêu dùng được hưởng lợi, doanh số bán xe tăng, số thuế của các DN nộp cho nhà nước cũng nhiều hơn; tạo môi trường đầu tư tốt và ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể đầu tư lâu; tăng khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn...
Bình luận (0)