Vận tải hàng không là một trong số ít ngành giữ được tốc độ tăng trưởng cao, liên tục khoảng 20%/năm trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đang có nguy cơ vấp phải lực cản từ chính sách quản lý.
Vét hết khách đường sắt!
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), vào dịp Tết Nguyên đán 2017, các hãng hàng không tăng 1.285 chuyến bay, tăng gần 30% so với lịch bay thường lệ. Trong đó, 90% là chuyến bay đi/đến Tân Sơn Nhất. Căn cứ vào đề xuất của các hãng, Cục HKVN đã thực cấp bổ sung phép bay cả vào giờ thấp điểm (23 giờ đến 7 giờ) để nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất hoạt động 24/24 giờ trong cao điểm Tết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục HKVN, sân bay này sẽ phải chịu áp lực rất lớn vì công suất thiết kế chỉ phục vụ 25 triệu lượt khách/năm nhưng dự kiến năm nay đón khoảng 32 triệu lượt.
Tại cuộc họp Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa đánh giá việc quá tải trong hoạt động hàng không không chỉ do hạn chế về hạ tầng mà còn do được cấp phép bay “thoải mái”. Theo kế hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất có năng lực tiếp nhận 38-40 chuyến bay/giờ nhưng trong thực tế lại điều hành bay tới 45-50 chuyến/giờ. Vì vậy, 5-10 chuyến phải bay lượn vòng trên trời chờ đến lượt hạ cánh hoặc xuống đất rồi cũng phải chờ đến lượt vào nhà ga, gây lãng phí và bức xúc cho hành khách. Các hãng hàng không lấy khẩu hiệu phục vụ hành khách nhưng nhiều khi khách “bị đối xử chẳng ra gì khi dịch vụ, hạ tầng không thay đổi”.
Theo người đứng đầu Bộ GTVT, giá vé và phí sân bay rẻ nhất khu vực nên hàng không bây giờ là lựa chọn số 1 của người Việt trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay là vô cùng bất hợp lý. Chỉ Việt Nam mới có chuyện hàng không “vét” hết khách của đường sắt. Do đó, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo trước mắt phải siết lại việc cấp phép bay trong dịp Tết, đặc biệt là các đường bay đến/đi từ sân bay Tân Sơn Nhất. Cần điều tiết các phương thức vận tải khác nhau chứ không phải cơ hội cho hàng không tăng chuyến, còn các loại hình vận tải khác như đường sắt có khả năng nhưng khó khăn về lượng khách.
Giảm cung, giá sẽ tăng
Bình luận về quan điểm của Bộ trưởng Bộ GTVT, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, phân tích trong bối cảnh nhà nước đang mong muốn thúc đẩy cạnh tranh, Bộ GTVT lại cho rằng tăng trưởng của hàng không phải ở mức phù hợp với sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng là không hợp lý. Cạnh tranh là động lực thúc đẩy tăng trưởng, nếu đường sắt muốn phát triển tốt thì phải tham gia cạnh tranh với hàng không bằng giá vé, chất lượng. Không thể tìm cách “ép bên này để phồng bên kia” theo kiểu bắt các hãng hàng không giảm chuyến để khách chuyển sang đi đường sắt. “Việc người dân chọn đi máy bay hay đường sắt là quyền của họ, Bộ GTVT không quyết định thay cho người tiêu dùng được. Việc của nhà nước là lo đầu tư hạ tầng, phải có nghiên cứu, dự báo, đánh giá để hạ tầng đi trước một bước đáp ứng nhu cầu phát triển. Không phải chờ các hãng báo cáo kế hoạch mua bao nhiêu máy bay để rồi yêu cầu tăng, giảm cho phù hợp với sân bay” - ông Cung nói.
Một chuyên gia trong ngành hàng không nhận định sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không Việt Nam trong mấy năm gần đây chưa thấm vào đâu so với khu vực và quốc tế. Xét về tỉ lệ người dân đi máy bay thì Việt Nam vẫn ở mức rất thấp. Cụ thể, năm 2015, sản lượng vận tải khách nội địa của Thái Lan đạt 30 triệu lượt khách, trong khi họ có 68 triệu dân. Còn Việt Nam đạt sản lượng vận chuyển 22,5 triệu lượt khách trên tổng số hơn 90 triệu dân. Như vậy, mức độ công cộng hóa hàng không nội địa của Việt Nam mới bằng khoảng 1/2 Thái Lan. Trong bối cảnh đó, đã tính chuyện giảm tải hàng không cho phù hợp với hạ tầng cơ sở là không có cơ sở. Đặc biệt, việc hạn chế cấp phép bay tăng chuyến trong dịp Tết không chỉ làm cho mức độ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân giảm mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả khai thác của các hãng hàng không; gián tiếp làm tăng giá vé máy bay, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng theo thông lệ, nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết rất lớn, các cơ quan quản lý phải có biện pháp bảo đảm đủ phương tiện và không tăng giá tàu xe. Nếu ép các hãng hàng không giảm tần suất bay vào dịp Tết, về nguyên tắc thì cung giảm, giá sẽ tăng.
Bình luận (0)