xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lỗ hổng quản lý giao dịch chứng khoán

PHẠM ĐÌNH

Cơ quan quản lý cần quyết liệt hơn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán để ổn định tâm lý nhà đầu tư và lành mạnh hóa thị trường

Ngay sau khi bị phạt vì mua mà không công bố thông tin, 2 cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) lại lập tức bán ra, giảm tỉ lệ sở hữu và không còn là cổ đông lớn nhưng vẫn không công bố theo quy định. Câu chuyện lùm xùm này một lần nữa khiến dư luận đặt vấn đề và không khỏi lo ngại về hiệu quả xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Đủ kiểu vi phạm

“Tiền trảm hậu tấu”, giao dịch xong mới công bố hoặc công bố không đúng quy định là hiện tượng phổ biến mà các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ của các công ty niêm yết thường xuyên vi phạm trong thời gian vừa qua.

Một số vụ việc nổi cộm gần đây là vụ ông Phan Hoàng T., một cổ đông lớn của Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (UDC), ngày 21-5 đã bán ra 120.000 cổ phiếu UDC, nhưng sau đó mới công bố thông tin. Trước đó, cuối tháng 3-2012, ông Đinh Hồng L., Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN), đã bán ra 200.000 cổ phiếu SHN không công bố thông tin theo quy định nhưng ông chỉ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 40 triệu đồng...

img

Nhà đầu tư lớn thao túng giá cổ phiếu thì phần thiệt hại, rủi ro chắc chắn sẽ thuộc về các nhà đầu tư nhỏ lẻ

Theo quy định, những hành vi vi phạm công bố thông tin như trên thì mức phạt cao nhất chỉ 60 triệu đồng. Còn nếu có hành vi thông đồng, thao túng giá cổ phiếu thì theo quy định mới nhất, mức xử phạt tối đa cũng chỉ đến 300 triệu đồng. Giữa năm 2010, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 170 triệu đồng đối với bà Nguyễn Kim P., một cổ đông lớn của Công ty CP Vận tải Xi măng (VTV) vì bà P. đã đăng ký chào mua 1,3 triệu cổ phiếu VTV nhưng lại âm thầm bán ra hơn 557.000 cổ phiếu này.
Bà P. đã thông đồng với 3 cá nhân khác liên tục mua bán cổ phiếu VTV nhằm thao túng giá để trục lợi khiến giá cổ phiếu VTV đã tăng từ 33.000 đồng lên hơn 60.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự là trường hợp 3 cổ đông của Công ty CP Dược Thú y Cai Lậy (MKV) bị xử phạt mỗi người 300 triệu đồng vào tháng 3-2011 (mức cao nhất vào thời điểm đó) vì đã dùng tổng cộng 24 tài khoản khác nhau thông đồng thao túng giá cổ phiếu MKV...

Điều đáng nói là phần lớn các vụ vi phạm giao dịch đều bị phát hiện sau một thời gian dài, đủ để các đối tượng thao túng thị trường; phần thiệt hại, rủi ro chắc chắn sẽ thuộc về các nhà đầu tư vô can khác. Trường hợp 3 cổ đông MKV sau  gần 9 tháng mới bị phát hiện và phải gần 3 tháng sau nữa mới bị xử phạt.

Quy định đã có, hiệu quả còn chờ

Năm 2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước  ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhiều nhất từ trước đến nay với tổng số tiền xử phạt từ các cá nhân, doanh nghiệp niêm yết lên đến gần 10 tỉ đồng. Ngoài những vụ vi phạm nổi cộm liên quan đến thao túng, làm giá cổ phiếu bị xử phạt cao, những vụ còn lại chủ yếu vi phạm liên quan đến công bố thông tin, mức xử phạt không cao.

Từ đầu tháng 6 này, Thông tư 52 của Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, có thêm một số đối tượng phải công bố thông tin, đồng thời có nhiều quy định khắt khe hơn về thời gian buộc phải công bố thông tin... Thông tư cũng quy định mức xử phạt vi phạm hành chính được tăng lên, cao nhất là 2 tỉ đồng (đối với tổ chức)…

Một số chuyên gia chứng khoán nhận xét: Quy định pháp luật có vẻ đã mạnh tay hơn nhưng vấn đề là cơ quan quản lý có quyết liệt và nhanh tay hơn trong việc xử lý triệt để các đối tượng cố tình vi phạm để ổn định tâm lý nhà đầu tư trên thị trường hay không? Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết: Giới quan sát đều hiểu rằng trên thị trường thời gian qua có không ít trường hợp lãnh đạo các công ty niêm yết đã dùng nhiều hình thức khác nhau để giữ giá, đẩy giá hoặc tạo thanh khoản cho cổ phiếu của công ty mình. Các trường hợp này cơ quan chức năng rất khó phát hiện nếu không quyết tâm xử lý.

Có không sự thao túng giá STB?

Trở lại câu chuyện các cổ đông mua cổ phiếu STB không công bố thông tin, một chuyên gia tài chính cho rằng các cổ đông này có thể vô tình vi phạm lần 1 khi mua vào (như họ giải thích) nhưng tiếp tục vi phạm lần 2 (bán ra) thì với mức xử phạt vài chục triệu đồng là quá ít, không đủ sức răn đe. Một vấn đề nữa là có hay không hiện tượng các nhà đầu tư lớn thông đồng, thao túng giá cổ phiếu STB vì thời gian qua, giá Sacombank đã tăng mạnh trên thị trường? Vấn đề này chỉ cơ quan chức năng mới trả lời được.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo