Cụ thể, cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi) được hoạt động tạm từ nay đến ngày 31-10, công suất 1.500 con/ngày. Nhà máy Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn được giết mổ thủ công (2.000 con/ngày) song song với giết mổ công nghiệp (2000 con/ngày). Quá trình hoạt động phải ưu tiên giết mổ công nghiệp, chỉ được giết mổ thủ công khi giết mổ công nghiệp hết công suất.
Cơ sở Xuyên Á thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh để được hoạt động trở lại
UBND TP HCM giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm soát chặt chẽ nguồn heo đưa về giết mổ, nhất là có biểu hiện bị tiêm thuốc an thần; đảm bảo các cơ sở không được hoạt động quá công suất. Đồng thời, phối hợp với các sở ngành tổ chức kiểm tra toàn diện các cơ sở giết mổ hiện hữu trên địa bàn; phối hợp với Sở Công Thương xây dựng chương trình hợp tác với các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh, Bình Dương,… trong đó xác định lộ trình xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp thay thế thủ công để cung cấp nguồn thịt heo an toàn cho thành phố.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vụ phát hiện gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á vào cuối tháng 9-2017 khiến lò này bị tạm ngưng hoạt động đã ảnh hưởng đến tình hình cung cấp thịt heo cho thị trường TP HCM. Theo đó, từ chỗ chủ động giết mổ khoảng 80% lượng heo cung cấp cho thị trường, các lò mổ tại TP HCM chỉ còn đáp ứng được chưa tới 50% nhu cầu, còn lại phải đưa về các tỉnh giết mổ.
Với việc cho phép 2 lò mổ trên địa bàn TP HCM hoạt động, công suất tổng cộng 5.500 con/ngày và công suất của các cơ sở thủ công hiện hữu, tổng công suất toàn địa bàn trên 10.000 con/ngày, đủ sức phục vụ thị trường. Như vậy, thương lái tổ chức giết mổ heo phục vụ mùa Tết Mậu Tuất 2018 sẽ không còn gặp áp lực về việc tìm nơi giết mổ như trước.
Bình luận (0)