Sáng 17-5, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), cho hay VIPA vừa gửi đơn kiến nghị đến Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng một số bộ ngành liên quan về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm.
Theo VIPA, do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch COVID-19, chi phí vật tư đầu vào tăng cao kỷ lục, thị trường tiêu thụ bất ổn và giá sản phẩm đầu ra xuống sâu (có thời điểm giá bán một số sản phẩm gia cầm chỉ bằng 2/3 giá thành sản xuất), khiến ngành gia cầm đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức.
Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản; hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.
Trứng gà giá rẻ bán rong tại TP HCM đầu tháng 5
Theo đó, VIPA kiến nghị 5 giải pháp chính bao gồm: thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi; thứ 2, rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất; thứ 3, xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm xuất khẩu sản phẩm gia cầm; thứ 4, cần chuẩn hóa dữ liệu thống kê về sản xuất và thương mại của ngành gia cầm và thứ 5 là về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.
Đáng chú ý, về kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu, VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine; kiểm soát nhập khẩu phụ phẩm để bảo vệ người tiêu dùng và chăn nuôi trong nước.
VIPA dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu hằng năm tăng liên tục, mà theo ước tính chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ ở nước ta.
VIPA kiến nghị giảm phí kiểm dịch bởi hiện nay cách tính theo lô khiến 1 đơn hàng 10 kg phải chịu phí kiểm dịch tương đương 1 container là không hợp lý; kiến nghị giảm phí kiểm dịch 1 con gia cầm xuống 50% so với hiện tại (200 đồng/con).
Trong văn bản kiến nghị, VIPA cũng nêu thẳng vấn đề các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam. "Để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, duy trì công ăn việc làm cho người nông dân, kính mong Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung một số chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước đủ điều kiện để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Đồng thời, VIPA cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn (nếu có) bán phá giá sản phẩm chăn nuôi, cạnh tranh không lành mạnh"- văn bản VIPA nêu rõ.
Ngoài ra, văn bản cũng đề cập đến công tác thống kê chưa sát với thực tế và không được chia sẻ kịp thời thì sẽ dẫn đến hệ lụy là các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội ngành hàng không có căn cứ để đánh giá, nhận định đúng thực trạng sản xuất, thương mại của từng ngành hàng, từ đó các doanh nghiệp khó có thể định hướng được chiến lược sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả và bền vững. VIPA cho rằng, sản lượng gia cầm thực tế hiện nhiều hơn so với số liệu được công bố chính thức.
Bình luận (0)