“Đảo ngọc” Phú Quốc (Kiên Giang) không chỉ có nhiều bãi biển đẹp, mà còn được thiên nhiên ban tặng cho nguồn hải sản phong phú, quý giá. Chính từ nguồn lợi hải sản này, bà con nơi đây đã gầy dựng nên danh tiếng nước mắm Phú Quốc.
Tạo việc làm cho hàng ngàn lao động
Nước mắm Phú Quốc - thương hiệu quốc gia dùng để gọi chung cho các loại nước mắm được sản xuất đạt chuẩn tại "đảo ngọc" Phú Quốc.
Theo những người làm nghề nước mắm lâu đời ở hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nước mắm Phú Quốc sản xuất bằng phương pháp truyền thống, được quản lý theo chuỗi từ khâu đánh bắt cá, muối cá, vận chuyển về nhà thùng, ủ chượp. Cá làm nước mắm là cá cơm tươi, trộn với muối theo công thức 3 cá, 1 muối, được ủ chượp từ 12- 15 tháng theo phương pháp lên men tự nhiên, tạo thành nước mắm. Nước mắm Phú Quốc có màu cánh gián hoàn toàn tự nhiên, nhờ cách ướp tươi và thời gian ủ trong thùng gỗ ít nhất là 12 tháng.
Một nhà thùng sản xuất nước mắm ở Phú Quốc
Với truyền thống hơn 100 năm gắn bó với nghề làm nước mắm, một doanh nghiệp khai thác và chế biến hải sản tại thị trấn Dương Đông, cho biết đã và đang hướng tới tiêu chí giàu dinh dưỡng, thuần khiết, tự nhiên và đậm đà bản chất truyền thống. Cho nên, quy trình sản xuất nước mắm của doanh nghiệp này đạt tiêu chuẩn HACCP- Hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế và các hướng dẫn về việc tăng cường an toàn thực phẩm trong mọi lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản.
Tương tự, một doanh nghiệp nước mắm tại xã Hàm Ninh cũng là doanh nghiệp có kinh nghiệm hơn 150 năm làm nước mắm. Trải qua 5 đời cha truyền con nối, Hồng Đức 1 đã nghiên cứu, cho ra nhiều dòng nước mắm nhĩ cao cấp, có độ đạm từ 35- 43 độ. Quy trình sản xuất được theo dõi chặt chẽ, nghiêm ngặt, tuân thủ những quy định của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc. Mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất ra thị trường trong và ngoài nước trên 1 triệu lít nước mắm.
Quy trình sản xuất nước mắm đạt tiêu chuẩn HACCP.
Huyện đảo Phú Quốc hiện có khoảng 80 doanh nghiệp, nhà thùng sản xuất nước mắm, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 30 triệu lít. Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc mỗi năm tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Sau quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn đã cho ra nước mắm Phú Quốc thơm ngon
Gắn với du lịch
Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tên gọi xuất xứ trên thị trường của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại EU. Tuy nhiên, con đường thành công của nước mắm Phú Quốc không chỉ trải toàn hoa hồng.
Để có được danh vị như hôm nay là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng các nhà sản xuất, chế biến nước mắm Phú Quốc. Bên cạnh đó là sự quan tâm, đồng hành của Agribank đã giúp bà con tại huyện đảo Phú Quốc có điều kiện đầu tư, mở rộng nhà xưởng, phát triển sản xuất.
Các cán bộ đến kiểm tra sau nhiều giai đoạn cho đến thành phẩm
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Giám đốc DNTN Khai thác và Chế biến hải sản Thanh Quốc, cho biết: "Mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất khoảng 800.000 lít nước mắm, trong đó, hơn 250.000 lít được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…. Nghề truyền thống này nếu không phát huy tốt, cải tiến liên tục về mặt an toàn, kỹ thuật và không có một tổ chức hội nghề nghiệp cùng có tiếng nói chung để gìn giữ và bảo vệ sản phẩm truyền thống này thì rất khó. Chính vì thế, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng sự đồng hành của Agribank nên doanh nghiệp đã từng bước xây dựng được thương hiệu, giữ gìn, phát triển tốt được nghề truyền thống này".
Du khách nơi đến tham quan mua nước mắm tại Phú Quốc
Theo thống kê của Agribank Chi nhánh Phú Quốc, hiện tỉ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 83% trên tổng dư nợ. Riêng dư nợ cho vay mô hình làm nước mắm trên 385 tỉ đồng, với 78 khách hàng còn dư nợ.
Phú Quốc đang chuẩn bị trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. "Đảo ngọc" này cũng xác định du lịch là một trong những thế mạnh góp phần đưa hình ảnh Phú Quốc vươn tầm ra khỏi khu vực và quốc tế. Trong đó, nước mắm Phú Quốc là một trong những sản phẩm du lịch đã và đang tạo nên nét đặc trưng cho ngành công nghiệp không khói ở "đảo ngọc".
Ông Huỳnh Thanh Minh, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, nhận xét: "Những năm qua, có sự đồng hành của ngành ngân hàng, trong đó có Agribank về tổ chức cho bà con vay vốn theo quy định của pháp luật và những nghị định của Chính phủ mà ngành nghề nước mắm truyền thống của huyện được giữ vững và ngày càng phát triển. Mục tiêu của địa phương là trong thời gian tới sẽ tiếp tục giữ vững được các làng nghề truyền thống gắn với du lịch".
Bình luận (0)