Tại hội thảo Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam do Liên minh Nông nghiệp tổ chức, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thuộc ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam nên cơ cấu lại theo hướng giảm nguồn lực, nhất là đất đai của lúa gạo để phát triển chăn nuôi và trồng trọt nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. Với diện tích đất còn lại, lúa gạo tập trung vào các giống chất lượng cao, nâng cao chất lượng, giảm sản lượng.
“Về xuất khẩu gạo là ngành kinh doanh có điều kiện và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang tập trung quyền lực quá nhiều. Cụ thể, VFA tham gia vào Ban điều hành gạo xuất khẩu, trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh xuất khẩu (mục tiêu kinh doanh), thu mua tạm trữ (mục tiêu đảm bảo cho người trồng lúa có lợi) và bình ổn giá lúa gạo nội địa. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo phải đăng ký với VFA để được cấp giấy phép xuất khẩu, VFA chịu trách nhiệm công bố giá sàn xuất khẩu,…” – TS Thành phân tích.
Cơ chế “độc quyền tập thể” đang làm cho ngành lúa gạo bị thụt lùi
Ngoài ra, các điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo về kho chuyên dùng tối thiểu là 5.000 tấn thóc, cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ,… đang biến xuất khẩu gạo trở thành sân chơi của những ông lớn, áp đặt điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân. Với các quy định này, những doanh nghiệp có những đổi mới sáng tạo, tìm được thị trường ngách không được phép xuất khẩu vì sản lượng nhỏ (nhưng tối ưu lợi nhuận).
TS Thành khuyến nghị nên nới lỏng điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bãi bỏ chính sách giá sàn và tổ chức lại VFA theo hướng thành phần phải có DN tư nhân, chính quyền địa phương, nông dân, hướng VFA tới các hoạt động cung cấp thông tin hơn là thực thi chính sách.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cơ chế “độc quyền tập thể” đang làm cho ngành lúa gạo bị thụt lùi, doanh nghiệp tư nhân khó phát triển.
Bình luận (0)