Đây là lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước của doanh nghiệp (DN) này.
Tại văn bản này, VAFI cho rằng cần làm rõ ai được quyền quyết định phân chia lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức hằng năm. Cụ thể, theo điểm 2b, điều 135 Luật DN 2014, chỉ có đại hội đồng cổ đông của DN mới có thẩm quyền quyết định mức cổ tức hằng năm của công ty cổ phần. Và theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2016 của Sabeco đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, sau khi chia cổ tức và trích lập các quỹ, xác định khoản lợi nhuận chưa phân phối cuối năm 2016 là 2.946 tỉ đồng. Khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối này đã được đại hội đồng cổ đông quyết định không chia, trong đó có vai trò quyết định của cổ đông nhà nước là Bộ Công Thương khi đó nắm tới 89,59% vốn điều lệ.
VAFI cho rằng việc Kiểm toán nhà nước yêu cầu Sabeco phải chuyển 2.495 tỉ đồng về ngân sách là trái Luật doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Do đó, phía VAFI cho rằng khoản lợi nhuận chưa phân phối trên về bản chất không phải là khoản nợ của DN đối với toàn thể cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước. Vì vậy, việc Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco phải chuyển 2.495 tỉ đồng về ngân sách là trái Luật DN hiện hành.
Ngay cả HĐQT của Sabeco hiện cũng không có thẩm quyền phân chia cổ tức từ khoản chưa phân phối là 2.900 tỉ đồng mà phải trình cho đại hội đồng cổ đông năm 2017 quyết định. Theo quy định, nếu đại hội cổ đông tới đây của Sabeco biểu quyết thông qua việc phân chia 2.900 tỉ đồng này thì cổ đông nhà nước chỉ được hưởng 36% của khoản phân chia này vì nhà nước đã bán bớt cổ phần của mình cho tập đoàn ThaiBev thông qua đấu giá công khai vào ngày 27-12-2017.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, cho rằng ThaiBev đã bỏ ra gần 5 tỉ USD để mua 53%vốn điều lệ Sabeco nhưng hơn 3 tháng nay vẫn chưa cử được người tham gia quản lý DN này. Nay Kiểm toán Nhà nước ra văn bản yêu cầu đòi nợ mà trên thực tế không có. "Rất nhiều tồn tại sau hậu cổ phần hóa đã và đang làm thiệt hại quyền lợi của nhiều nhà đầu tư vào các DN cổ phần hóa. Do đó, muốn thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DN hay thoái vốn nhà nước phải giải quyết những tồn tại trên" - ông Hải nói.
Bình luận (0)