Khoảng trung tuần tháng 4 vừa qua, nhiều hộ dân ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên hết sức lo lắng sau khi được Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và thương mại Thắng Anh (có trụ sở trên đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên) kiểm tra mức độ ô nhiễm nước sinh hoạt của gia đình đang sử dụng ngay tại xã.
Theo kết quả kiểm tra, hầu như các mẫu nước của bà con dù là nước giếng khơi, giếng khoan, nước đã đun sôi, nước đã lọc qua máy lọc... đều có kết tủa với các màu khác nhau.
Theo giải thích của những nhân viên này, nước kết tủa chuyển màu vàng là nhiễm đồng, chuyển màu xanh là nhiễm sắt và các mẫu nước của bà con đều có dấu hiệu "ô nhiễm," rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Để khắc phục tình trạng này, bà con cần phải lắp ngay máy lọc nước mang thương hiệu Haohsing do Công ty phân phối với mức giá 3.950.000 đồng/chiếc, có bán trả góp và lắp máy tận nhà, thậm chí có thêm nhiều khuyến mại hấp dẫn.
Để tạo niềm tin và "dụ" được nhiều người dân mua máy lọc nước, nhân viên bán hàng của Công ty Thắng Anh liên tục khẳng định "công ty đã được sự cho phép của Sở Công Thương, Ủy ban Nhân dân huyện Phú Bình, lãnh đạo xã Kha Sơn cho về đây giới thiệu và thử nước ô nhiễm cho bà con...”
Giấy mời các hộ dân đem mẫu nước đến thử mức độ ô nhiễm do Sở Công Thương Thái Nguyên cùng Tập đoàn máy lọc nước Haohsing phát hành và có chữ ký của Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên.
Khi nhận được thông tin, ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên khẳng định ông không hề ký bất kỳ giấy mời nào cho công ty bán máy lọc nước. Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và thương mại Thắng Anh đã "mượn" danh và con dấu, chữ ký của giám đốc sở vào việc riêng của công ty mình.
Ông Hiển khẳng định việc làm này là vi phạm pháp luật và đề nghị cơ quan điều tra và ngành chức năng liên quan vào cuộc. Sở Công Thương Thái Nguyên sẽ gửi ngay công văn đến các địa phương để có giải pháp ngăn chặn hình thức tiếp thị, bán hàng kiểu này, đồng thời yêu cầu Công ty Thắng Anh làm rõ sự việc.
Theo lãnh đạo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thái Nguyên, đến nay, chưa có một máy thử nước nhanh nào có thể kết luận ngay là nước ô nhiễm. Muốn biết nước sinh hoạt có bị ô nhiễm hay không, người dân cần mang nước đến các cơ quan có tư cách pháp nhân, có đủ phương tiện máy móc hiện đại như Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh hoặc Viện khoa học sự sống (thuộc Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) để làm các xét nghiệm mới cho kết quả chính xác.
Bình thường trong nước đều có chứa các ion kim loại nên khi sục nước qua máy điện phân thì đều chuyển màu. Việc chuyển màu này không thể khẳng định nước bị ô nhiễm mà chỉ cho biết trong nước có kim loại ít hay nhiều. Do vậy, bà con không nên vội tin vào việc thử nước nhanh của nhân viên tiếp thị, bán hàng.
Thời gian qua, việc tiếp thị, bán máy lọc nước thông qua chiêu trò "kiểm tra mức độ ô nhiễm" nguồn nước ngay tại chỗ còn được thực hiện ở nhiều phường, xã trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
Hầu hết các mẫu nước, trong đó có cả mẫu nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kinh doanh nước sạch Thái Nguyên (đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn) cũng được một số nhân viên tiếp thị, bán hàng cho rằng có dấu hiệu ô nhiễm khiến không ít người dân địa phương hoang mang, lo lắng./.
Bình luận (0)