Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND TP HCM yêu cầu kiểm tra, xác minh tình trạng nhiều người sau khi vay tiền của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng (NH) Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) lâm vào cảnh khó khăn.
Nhiều năm hòa giải không xong
Để phản ánh tình trạng này, phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp cận một số con nợ của NH, công ty tài chính để tìm hiểu thực trạng cho vay tiêu dùng. Nhiều người hết sức khốn đốn trong việc trả nợ hoặc có nguy cơ không trả được nợ. Thậm chí, có người không vay tiền nhưng lại trở thành con nợ của một công ty tài chính.
Cuối năm 2015, ông Đỗ Văn Tấn (phường 19, quận Bình Thạnh, TP HCM) - nhân viên bảo vệ của một doanh nghiệp tại quận 2, TP HCM - vay NH TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank - bộ phận Tín dụng tiểu thương CommCredit) 21 triệu đồng, thời hạn vay 18 tháng, lãi suất 40%/năm (khoản vay thứ nhất). Sau khi trả góp cho khoản vay này được 8 tháng, ông Tấn mất khả năng thanh toán.
Đến tháng 8-2016, ông Tấn vay thêm VPBank 35,5 triệu đồng, thời hạn 30 tháng, lãi suất 40%/năm (khoản vay thứ 2) để trả số nợ còn lại của khoản vay thứ nhất là gần 14 triệu đồng. Như vậy, ông Tấn thực nhận từ NH hơn 21,5 triệu đồng. Thế nhưng, điều kỳ lạ là NH không cung cấp cho ông Tấn hợp đồng vay vốn của khoản vay thứ nhất và khoản vay thứ 2.
Sau khi trả góp cho khoản vay thứ 2 được 3 tháng, do thu nhập bất ngờ sụt giảm nên ông Tấn không thể trả nợ tiếp. Làm việc với bộ phận xử lý nợ của NH, ông Tấn đề nghị khoanh nợ trong vòng 6 tháng nhưng NH này không đồng ý.
Ông Đỗ Văn Tấn (phải) phản ánh sự việc với phóng viên Báo Người Lao Động
Tháng 3-2018, VPBank khởi kiện ông Tấn lên TAND quận Bình Thạnh, TP HCM, đề nghị tòa án yêu cầu ông Tấn thanh toán số nợ gốc còn lại của khoản vay thứ 2 là hơn 33 triệu đồng, cộng với số tiền lãi phát sinh. Thụ lý vụ việc, TAND quận Bình Thạnh liên tục mời hai bên đến hòa giải, công khai chứng cứ.
Qua các buổi hòa giải (kéo dài gần 2 năm), ông Tấn luôn yêu cầu NH cung cấp bản chính của 2 hợp đồng vay vốn và bản chính các chứng từ giao dịch liên quan. Thế nhưng, NH này chỉ cung cấp bản sao hợp đồng vay vốn, bản sao chứng từ giao dịch với nội dung không rõ ràng.
Cụ thể, bản sao hồ sơ vay vốn của khoản vay thứ nhất không ghi ngày, tháng, năm; không có người ký tên và con dấu của NH. Bản sao hồ sơ vay vốn của khoản vay thứ 2 có đóng dấu và chữ ký của người đại diện NH. Còn bản sao các chứng từ giao dịch gồm giấy rút số tiền vay, giấy nộp tiền không ghi nội dung giao dịch, không thể hiện thời điểm và số tiền giao dịch, không có chữ ký của giao dịch viên, kiểm soát viên… Đồng thời, NH cung cấp cho ông Tấn văn bản xác nhận ông đã tất toán 13,74 triệu đồng của khoản vay thứ nhất.
"NH có lợi dụng chữ ký của tôi để lập chứng từ khống? Vì sao sao kê tài khoản của tôi không thể hiện số tiền đã tất toán?" - ông Tấn thắc mắc. Lúc đó, đại diện của NH cho biết sẽ kiểm tra lại hợp đồng vay vốn, sau đó sẽ trả lời cho ông Tấn.
Tại buổi hòa giải, cung cấp chứng cứ ngày 2-7-2019, ông Tấn đề nghị phía NH giải thích hợp đồng vay vốn của khoản vay thứ nhất không có chữ ký và con dấu của NH; tiếp tục yêu cầu NH này cung cấp bản chính 2 hợp đồng vay vốn và bản chính các chứng từ liên quan; đồng thời đề nghị cho ông được trả nợ gốc 1 triệu đồng/tháng, giảm tiền lãi.
Tuy nhiên, đại diện NH không đồng ý, yêu cầu ông Tấn trả số nợ trên 86 triệu đồng, trong đó nợ gốc hơn 33 triệu đồng, nợ lãi gần 53 triệu đồng. Còn việc ông Tấn yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ, NH sẽ cung cấp cho tòa án. Riêng việc giải thích hợp đồng vay vốn của khoản vay thứ nhất không liên quan đến yêu cầu khởi kiện nên phía NH không trả lời.
Chậm trả lời nhiều câu hỏi
Tại buổi hòa giải, cung cấp chứng cứ ngày 14-1-2020, phía NH cung cấp cho TAND quận Bình Thạnh một số văn bản, chứng cứ, trong đó có bản chính của hồ sơ khoản vay thứ nhất (21 triệu đồng). Tuy nhiên, khi ông Tấn xin được chụp ảnh ghi nhận phần chữ ký và con dấu thì tòa đề nghị ông Tấn làm đơn xin sao y.
Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 3-2020, ông Tấn đã 2 lần nộp đơn lên TAND quận Bình Thạnh xin sao y tài liệu gồm các văn bản, chứng cứ, biên bản làm việc của một số buổi hòa giải. Do đơn xin sao y tài liệu không được đáp ứng nên ông Tấn đã 2 lần viết đơn khiếu nại việc này lên Chánh án TAND quận Bình Thạnh.
Đến ngày 3-7, TAND quận Bình Thạnh có thư mời ông Tấn ngày 10-7 đến làm việc và ông đã được tòa cung cấp một số văn bản, tài liệu sao y.
Tháng 4-2020, VPBank rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện ông Tấn; lập tức, TAND quận Bình Thạnh đình chỉ vụ án tranh chấp giữa hai bên. Tuy nhiên, trong tháng này, hàng xóm và người nhà của ông Tấn nhận được nhiều tờ rơi có nội dung yêu cầu trả nợ NH và hình ảnh ông Tấn. Các đối tượng lạ mặt còn gọi điện thoại thông báo đã mua khoản nợ của ông Tấn từ NH, yêu cầu ông trả nợ bằng lời lẽ đe dọa.
Trước tình hình này, ông Tấn trình báo vụ việc lên chính quyền địa phương. Ngay sau đó, Công an phường 19, quận Bình Thạnh lên phương án bảo vệ công dân.
Ngày 28-6, phóng viên Báo Người Lao Động tóm tắt thông tin liên quan đến 2 khoản vay của ông Tấn gửi đến VPBank, đề nghị NH này giải thích một số vấn đề như những thắc mắc của ông Tấn; vì sao VPBank rút đơn kiện ông Tấn, có hay không việc NH bán khoản nợ của ông Tấn cho công ty mua bán nợ? VPBank giải thích thế nào về việc người lạ đến nhà ông Tấn đòi nợ? Hướng tới, NH sẽ xử lý thế nào về trường hợp ông Tấn?...
Ngày 2-7, đại diện VPBank cho biết vụ việc ông Tấn xảy ra từ nhiều năm trước, liên quan đến nhiều bộ phận nên NH cần có thêm thời gian để thu thập hồ sơ. VPBank hẹn từ ngày 6 đến 12-7 sẽ phản hồi thông tin đến phóng viên. Tuy nhiên, đến ngày 13-7, chúng tôi vẫn chưa nhận được trả lời.
Không vay cũng mắc nợ
Không chỉ có người vay tiêu dùng đích thực gặp khốn đốn về việc trả nợ, gánh chịu lãi suất quá cao mà cả người không vay cũng "dính" vào vòng xoáy mua bán nợ, đòi nợ thuê...
Ông Trần Mộng Lộc (quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết dù không vay tiền của Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD SAISON) nhưng bỗng dưng năm 2018, ông bị công ty này mời đến làm việc 2 lần vì vay tiền nhưng chưa trả nợ.
Tại các buổi làm việc, HD SAISON thông báo ông Lộc nợ 9 triệu đồng nhưng ông khẳng định mình không vay số tiền này, đồng thời giải thích do mất CMND nên có thể người khác đã giả mạo danh tính để vay tiền. Lúc đó, HD SAISON hướng dẫn ông Lộc viết đơn trình bày vụ việc, cung cấp một số giấy tờ về việc mất CMND để công ty xem xét, xử lý.
Để xác thực khoản vay từ trên trời rơi xuống, ông Lộc nhờ một người quen là nhân viên ngành NH tra cứu ở Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và được biết ông có khoản nợ xấu 9 triệu đồng. "Với thông tin này, khi có nhu cầu, tôi sẽ không vay được tiền ở NH" - ông Lộc lo lắng.
Trong khi đó, dù cũng không vay tiền từ Công ty TNHH Thương mại ACS (viết tắt ACS) nhưng ông Lộc lại nhận được nhiều cuộc gọi từ người lạ, tự xưng là công ty đòi khoản nợ 10 triệu đồng thay cho ACS.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết ACS là một công ty tài chính chuyên hoạt động cho vay trả góp - trả chậm để mua điện thoại, xe máy…
Do vụ việc kéo dài nên tháng 6-2020, ông Lộc khiếu nại HD SAISON và ACS lên NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, đề nghị cơ quan quản lý ngành NH hỗ trợ xác minh hoạt động cho vay của HD SAISON và ACS, xóa thông tin nợ xấu của ông trên CIC.
Mới đây, HD SAISON xác nhận sau khi nhận được văn bản ông Trần Mộng Lộc gửi ngày 29-8-2018, phản ánh ông không phải là người vay tiền, HD SAISON đã chấm dứt các hoạt động thu nợ liên quan đến ông. Tại buổi làm việc trực tiếp vào ngày 20-9-2018, HD SAISON có thông báo tới ông Lộc về việc bổ sung tài liệu xác minh không vay tiền, tạo điều kiện cho HD SAISON điều chỉnh thông tin tín dụng. Sau đó, HD SAISON tiếp tục gửi công văn và liên lạc nhiều lần với ông Lộc để giải thích, hướng dẫn ông bổ sung giấy tờ có liên quan để có cơ sở giải quyết sự việc. Tuy nhiên, ông Lộc chưa thể cung cấp do thời điểm bị mất giấy tờ từ năm 2014.
"Với tinh thần bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng, HD SAISON đã tiến hành các công tác xác minh sự việc dù không ít khó khăn do tài liệu ông Lộc cung cấp không đầy đủ. Theo đó, ngày 3-7-2020, HD SAISON đã gửi công văn đến Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) xin xóa thông tin tín dụng của ông Lộc tại HD SAISON, đồng thời gửi thư thông báo cho ông Lộc biết" - đại diện HD SAISON nói.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu rà soát
Với các vụ lùm xùm về cho vay tiêu dùng, mới đây, NH Nhà nước đã có văn bản yêu cầu Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty Tài chính TNHH HD SAISON, Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam rà soát toàn bộ quy định về cấp tín dụng, thu hồi nợ, thỏa thuận với đối tác về bán nợ; xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định pháp luật và quy định nội bộ. Các tổ chức này báo cáo kết quả thực hiện gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát NH (NH Nhà nước) và NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, chậm nhất ngày 15-7.
Đòi nợ bằng cách gọi điện khủng bố là vi phạm
Theo luật sư Phạm Đức (Công ty Luật Quốc tế và Cộng sự), do Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, trong đó cấm loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ, có hiệu lực từ đầu năm 2021, nên các công ty đòi nợ hiện vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, việc công ty đòi nợ tiếp cận con nợ bằng cách gọi điện thoại khủng bố, đến tận nhà hành hung, đập phá tài sản của con nợ, gây rối an ninh trật tự... là vi phạm pháp luật. Bởi theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP, công ty đòi nợ chỉ được hoạt động trong phạm vi pháp luật cho phép và phải có hợp đồng ủy quyền của chủ nợ. Trong thời hạn 3 ngày trước khi tiến hành đòi nợ, công ty đòi nợ phải có văn bản thông báo cho công an xã, phường nơi tiến hành đòi nợ... Khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
Luật sư Phạm Đức còn cho biết trong hợp đồng vay vốn thường có điều khoản bên cho vay có quyền bán khoản nợ và các thông tin liên quan cho một công ty có chức năng mua bán nợ. Sau đó, có thể công ty này lại thuê công ty đòi nợ tiến hành thu hồi nợ.
Bình luận (0)