Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động đang hạ theo đà giảm sâu của lãi suất cho vay. Như vậy, mặt bằng lãi suất sẽ đi xuống. Dù thế, lãi suất tiền gửi không thể giảm nhiều để vẫn thu hút dòng vốn nhàn rỗi.
Giảm mạnh ở các kỳ hạn
Khoản tiền gửi tiết kiệm 600 triệu đồng tại Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chuẩn bị đến ngày đáo hạn, chị Ngọc Anh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) truy cập website NH này xem lãi suất và chọn kỳ hạn gửi tiếp theo. "Những lần trước, tôi chọn gửi dài từ 12 tháng với mức lãi suất trên 8%/năm. Nay lãi suất gửi kỳ hạn 12 tháng đã giảm, còn 7,2%/năm, kỳ hạn 15 tháng là 7,3%/năm, giảm khá mạnh so với đợt trước Tết nên tôi băn khoăn chọn thời gian gửi" - chị Ngọc Anh so sánh.
Từ cuối tháng 3, nhiều NH thương mại đã thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng giảm khá nhiều ở các kỳ hạn. Từ đầu tháng 4 đến nay, NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã 3 lần thay đổi biểu lãi suất tiền gửi mới, giảm thêm ở một số kỳ hạn và áp mức lãi suất khác nhau đối với giá trị từng khoản tiền, từng nhóm khách hàng. Hiện lãi suất huy động tại quầy thấp nhất của Techcombank chỉ 3,85%/năm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, thấp hơn 0,1 điểm % so với trước đó, cũng là mức thấp nhất ở cùng kỳ hạn trong các NH thương mại. Ở kỳ hạn dài 19-36 tháng, lãi suất cũng chỉ 6,4%/năm áp dụng cho khách hàng trên 50 tuổi và gửi khoản tiền từ 3 tỉ đồng trở lên.
Nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất tiền gửi lẫn cho vay. Ảnh: TẤN THẠNH
Ở khối NH thương mại nhà nước, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng điều chỉnh giảm khá mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn trên 12 tháng từ 0,2-0,3 điểm % so với trước. Hiện lãi suất gửi từ 36-60 tháng tại Vietcombank là 6,5%/năm… Ông Trần Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, cho biết cùng với hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí giao dịch, giải ngân nhanh chóng cho khách hàng, NH tích cực hỗ trợ khách hàng cơ cấu nợ, giãn nợ hoặc xem xét giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị tác động bởi dịch bệnh. Để thực hiện được việc này, Eximbank đã tiết giảm tối đa chi phí hoạt động và điều chỉnh lãi suất huy động đối với các kỳ dài hạn: lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng đã giảm so với hồi đầu năm 0,6-0,9 điểm % đối với khách hàng cá nhân và giảm 0,4-0,9 điểm % đối với khách hàng doanh nghiệp (DN).
Kỳ vọng vốn rẻ đi vào sản xuất, tiêu dùng
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô vừa tại TP HCM cho biết NH này đã điều chỉnh giảm cả lãi suất huy động và cho vay theo xu hướng chung của thị trường trong bối cảnh ngành NH phải giảm lãi vay đối với dư nợ cũ và triển khai các gói tín dụng mới với lãi suất thấp. "Hoạt động tín dụng đang gặp khó, các NH chủ yếu tiến hành cơ cấu lại nợ, giảm lãi cho khách hàng cũ và chỉ đẩy mạnh cho vay mới ở những lĩnh vực ưu tiên" - vị phó tổng giám đốc này cho hay.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2020, Viện Đào tạo và Nghiên cứu - NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự báo chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế, hỗ trợ DN, hộ gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và kích thích tăng trưởng kinh tế. Thanh khoản thị trường sẽ tương đối dồi dào, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm nhẹ.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận xét mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) đang có xu hướng giảm và tiếp tục đi xuống trong thời gian tới. Trong bối cảnh nhu cầu vốn để sản xuất - kinh doanh hay chi tiêu đều hạ do khó khăn chung của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức khá thấp.
Số liệu của NH Nhà nước tính đến ngày 31-3 cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống NH tăng 1,3% so với đầu năm. Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng nhận định đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng gần như không tăng trong 2 tháng đầu năm. Trong năm 2020, NH Nhà nước dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỉ đồng đến 1,1 triệu tỉ đồng (tăng khoảng 11%-14%). "NH Nhà nước sẽ điều hành hoạt động NH để bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn" - Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Trước một số ý kiến lo ngại việc lãi suất huy động giảm sâu có thể khiến dòng tiền chảy sang các kênh khác, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng do tác động từ dịch bệnh khiến nhu cầu vốn của nền kinh tế giảm nên mặt bằng lãi suất hạ theo cung cầu là bình thường, các NH tự ấn định mức lãi suất theo thị trường. "Khi lãi suất huy động giảm, người gửi tiền có quyền rút sang gửi các kênh khác nhưng trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì các kênh đầu tư tài chính khác cũng không mấy sáng sủa. Đổi lại, mặt bằng lãi suất hạ sẽ góp phần tác động làm chi phí hoạt động của DN, giá cả hàng hóa đi xuống từ đó kích cầu nhu cầu tiêu dùng của người dân" - TS Đinh Thế Hiển phân tích.
Tiếp tục nới quy mô gói hỗ trợ tín dụng
Nhiều NH thương mại tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện quy mô của gói tín dụng ưu đãi lãi suất (giảm 0,5-4,5 điểm % so với lãi vay thông thường) được các NH đăng ký tham gia đã lên gần 300.000 tỉ đồng.
NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đưa ra gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay giảm mạnh tới 2 điểm %, áp dụng cho cả khoản vay mới và vay hiện hữu khi khách hàng vay ngắn hạn, trung và dài hạn. BIDV tung gói tín dụng 20.000 tỉ đồng, lãi suất từ 7,3%/năm cho nhu cầu mua nhà, ôtô hay sản xuất - kinh doanh của khách hàng cá nhân. Tại NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), gói tín dụng 5.000 tỉ đồng dành cho khách hàng DN nhỏ và vừa có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng, lãi suất cạnh tranh từ mức 6,5%/năm cũng vừa được triển khai.
Bình luận (0)