Sau khi Bộ Tài chính có báo cáo về hiệu quả kinh doanh của Tổng Công ty CP Sông Hồng (Báo Người Lao Động đã thông tin), doanh nghiệp (DN) này vừa có tờ trình gửi cơ quan chủ quản là Bộ Xây dựng về phương án thoái vốn nhà nước tại tổng công ty. Theo tờ trình, vốn chủ sở hữu âm 63,5 tỉ đồng, nhiều khoản công nợ phải thu nhưng không thu hồi được, nhiều chủ nợ đồng loạt khởi kiện, tổng công ty này đang đối mặt với nguy cơ phá sản trong thời gian sắp tới.
Một thiết bị cơ khí của nhà máy thủy điện do COMA cung cấp Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Tổng Công ty CP Sông Hồng không phải là trường hợp hiếm DN nhà nước làm ăn kém hiệu quả.
Bán cũng không được
Tổ trưởng, người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng Công ty Trần Huyền Linh cho hay do tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên số lượng giao dịch cổ phiếu của tổng công ty (mã SHG) từ thời điểm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đến nay là rất thấp, có phiên chỉ vài chục cổ phiếu giao dịch thành công, thậm chí không có giao dịch. Giá giao dịch khớp lệnh cũng rất thấp, khoảng 2.000-3.000 đồng/cổ phiếu, dẫn đến thị giá vốn cổ phần nhà nước chỉ còn khoảng 40 tỉ đồng, thấp hơn mệnh giá khoảng 150 tỉ đồng. Do đó, việc thoái vốn nhà nước theo hình thức giao dịch trên thị trường không thực hiện được tại thời điểm hiện nay và giá thị trường có nguy cơ tiếp tục giảm mạnh, nếu quá trình tái cấu trúc không thành công sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà nước. Nếu thoái vốn theo hình thức đấu giá do giá tham chiếu trên thị trường chứng khoán thấp như trên cũng sẽ làm thất thoát và mất vốn nhà nước rất nghiêm trọng.
Hiện hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, bế tắc do không có việc làm bởi tổng công ty không đủ điều kiện về hồ sơ và năng lực tài chính, nhân lực, máy móc, thiết bị để dự thầu và thực hiện các gói thầu. Các dự án đầu tư không triển khai được do tổng công ty không còn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn tín dụng không đàm phán được với các ngân hàng do đang bị xếp hạng tín dụng nhóm 5 và không có vốn đối ứng. Tổng công ty đang thực sự đối mặt với nguy cơ phá sản trong thời gian sắp tới.
Nhiều nguyên nhân thua lỗ
Với trường hợp Tổng Công ty Cơ khí xây dựng - Công ty CP (COMA), tổ trưởng tổ đại diện phần vốn nhà nước tại COMA Lê Minh Hải cho biết theo phương án sắp xếp và tái cơ cấu DN có vốn góp của COMA giai đoạn 2017-2020 thì không ít DN làm ăn thua lỗ, có thể phải chấm dứt hoạt động hoặc thành lập công ty cổ phần mới.
Đơn cử, một chi nhánh của COMA là COMA 15 - đơn vị được tổng công ty giao thực hiện dịch vụ xây lắp điện các công trình: Khu chung cư Skylight, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2… đã thua lỗ toàn bộ chi phí trong năm 2015. Nợ phải trả cho đến năm 2016 của đơn vị này là hơn 14 tỉ đồng. Phương án tổ chức lại hoạt động được COMA đưa ra là thành lập công ty cổ phần mới trên cơ sở tổng công ty góp vốn bằng giá trị vốn của tổng công ty còn lại tại COMA 15 sau khi định giá.
COMA 1 cũng là đơn vị hạch toán phụ thuộc COMA với kết quả kinh doanh thua lỗ triền miên do công tác quản lý yếu kém. Lỗ lũy kế đến thời điểm 31-12-2016 là gần 56,5 tỉ đồng và hoàn toàn không có khả năng khắc phục. Chưa kể, công tác quản lý yếu kém phát sinh nợ phải thu của các cá nhân giai đoạn trước năm 2008 không có khả năng thu hồi; một số cá nhân trực tiếp nhận tiền từ khách hàng nhưng không nộp về công ty dẫn đến không có nguồn để nộp thuế, gây phát sinh phạt chậm nộp thuế.
Chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1-3, Công ty CP Khóa Minh Khai đang duy trì mức lỗ 3 tỉ đồng/năm. Nhiều nguyên nhân như công nghệ lạc hậu, năng lực của cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý còn yếu dẫn đến hậu quả đáng buồn là công ty không đa dạng mặt hàng, sản phẩm không có sức cạnh tranh trên thị trường so với các thương hiệu Việt Tiệp, Huy Hoàng và của Trung Quốc, gần như mất hết thị trường tiêu thụ, thua lỗ triền miên từ khi cổ phần hóa và kết quả sản xuất kinh doanh 5 năm gần đây là mất hết vốn chủ sở hữu.
Mới tái cơ cấu "hình thức"
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, quan điểm cổ phần hóa không phải tư nhân hóa là sai lầm và có thể dẫn đến thất bại từ đầu. Cổ phần hóa để tăng hiệu quả, giảm gánh nặng cho nhà nước, hút vốn… "Nếu cổ phần hóa mà nhà nước chiếm chi phối 51% trở lên, thậm chí cao hơn thì không còn ý nghĩa nhiều. Không khéo, có khi hình thành lợi ích nhóm, mang lại lợi ích cho số ít" - luật sư Đức nói.
Đặc biệt, tình trạng công ty mẹ đã cổ phần hóa nhưng phần vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết còn rất lớn - trong khi các công ty này làm ăn thua lỗ - cũng là tình trạng không hiếm. "Cổ phần hóa công ty mẹ với số vốn góp của nhà nước còn chưa giảm dưới 51%, tức là vốn đã không mang nhiều ý nghĩa thay đổi tích cực mà lại còn thâu tóm hoặc góp vốn vào hàng loạt DN yếu kém thì chỉ mang lại một "xêri yếu kém thôi" - ông Đức nhìn nhận.
Vị luật sư này cho rằng cần đặt vấn đề thẳng thắn khi nhìn nhận lại chính sách cổ phần hóa liệu đã ổn? Bởi lẽ, cổ phần hóa phải bứt phá, thay đổi về chất nhưng nhiều trường hợp chỉ là thay đổi hình thức. Tuy DN được tiếng là đã cổ phần hóa, phần vốn và mức độ chi phối của nhà nước đã được rút bớt nhưng "quay đi quay lại" thì mọi quyết định vẫn nằm trong tay bộ chủ quản.
Ở góc nhìn toàn diện, theo Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Phạm Đức Trung, cổ phần hóa trong giai đoạn tái cơ cấu DN nhà nước từ năm 2011 đến 2015 đạt 93% kế hoạch về số lượng nhưng chất lượng thấp; nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn điều lệ. Nguyên nhân của việc tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu đề ra, theo ông Trung, là do có quan hệ "thân hữu - lợi ích", lợi ích việc quản lý tài sản nhà nước đang quá lớn nên các ngành, DN nhà nước đều muốn trì hoãn tái cơ cấu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chỉ ra số vốn rút ra từ việc cổ phần hóa không bằng vốn bổ sung cho DN nhà nước, vì vậy thua thiệt vẫn thuộc về xã hội.
Bình luận (0)