Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, mía là cây trồng chủ lực của tỉnh này, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của tỉnh. Tổng diện tích mía toàn tỉnh tính đến tháng 6-2021 là khoảng 22.000 ha, năng suất bình quân khoảng 57,4 tấn/ha. Vùng nguyên liệu chủ yếu ở huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa và Phú Hòa.
Dù thăng trầm nhưng có tiềm năng làm giàu
Ông Phạm Đình Phụng - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên - cho biết địa phương là vùng nguyên liệu mía đường lớn nhất tỉnh. Niên vụ 2020 - 2021, toàn huyện trồng trên 9.600 ha, tăng 1.600 ha so với trước đây nhờ giá mía thu mua tăng hơn trước.
Mía là cây trồng chủ lực ở Phú Yên với diện tích 22.000 ha
Có mặt tại xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, chúng tôi chứng kiến cánh đồng mía mênh mông, trải dài qua nhiều triền đồi. Vùng nguyên liệu mía Sơn Nguyên được quy hoạch bài bản đến nỗi nêu không có người dẫn đường, chúng tôi sẽ bị lạc vào "mê cung" của mía.
Ông Phạm Hồng Du (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa) cho biết gia đình có hơn 10 ha trồng mía 20 năm nay. Cây mía là cây chủ lực của người nông dân Sơn Nguyên vì có nhà máy đường (NMĐ) bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ bà con ngay tại địa phương. Tuy nhiên, thời điểm từ 2017 đến 2019, giá mía rớt liên tục, 1 ha thu hoạch khoảng 60 tấn mía chỉ bán được khoảng 42 triệu đồng, trừ chi phí chỉ hòa vốn. Những năm thời tiết nắng hạn, đặc biệt vào năm 2019, nhiều khu vực chỉ đạt 60% năng suất nên rất nhiều nông dân thua lỗ, nợ nần, phải bỏ mía, chuyển hướng trồng các loại nông sản khác.
Ông Phạm Đình Phụng cho biết niên vụ 2017 - 2018, diện tích trồng mía toàn huyện đạt kỷ lục gần 16.000 ha, nhiều gia đình giàu lên nhờ mía. Thế nhưng, bước sang giai đoạn 2018 - 2019 giá đường trong nước rớt mạnh khiến NMĐ chỉ thu mua với giá 700.000 - 750.000 đồng/tấn. "Với giá này, nông dân thua lỗ. Giai đoạn này, nắng hạn khiến năng suất thấp… kéo theo hệ lụy là diện tích trồng mía rớt chỉ còn khoảng 8.000 ha niên vụ 2018-2019" - ông Phụng cho hay.
Đến năm 2020-2021, các NMĐ phải áp dụng hàng loạt chính sách hỗ trợ, thu mua mía cho bà con nông dân, giá thu mua tăng lên 980.000 đồng/tấn, nếu đạt chất lượng cao có thể lên hơn 1 triệu đồng/tấn. Cùng với đó, Bộ Công Thương áp dụng mạnh mẽ biện pháp chống bán phá giá… giúp diện tích mía ở Sơn Hòa tăng khoảng 1.600 ha, đạt 9.600 ha. "Dự kiến niên vụ 2021-2022, Sơn Hòa sẽ nâng diện tích trồng mía lên 12.200 ha" - ông Phụng nói.
Áp lực từ đường ngoại nhập
Ông Nguyễn Đình Chiến, Trưởng Phòng Nguyên liệu, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, cho biết trước đây vùng nguyên liệu của NMĐ Tuy Hòa đạt trên 7.000 ha nhưng niên vụ này chỉ còn gần 4.000 ha, chủ yếu ở huyện Sông Hinh. Đây là tình trạng chung của ngành mía đường Việt Nam.
"Thời kỳ đỉnh cao, mía đường Việt Nam đạt cột mốc tới 1,6 triệu tấn đường với 300.000 ha mía nhưng đến nay chỉ còn gần 700.000 tấn đường với gần 128.000 ha. Đây là hệ quả của việc đường nhập lậu tràn vào ồ ạt, đặc biệt là đường giá rẻ của Thái Lan. Giá đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được với đường ngoại nhập khiến hàng loạt nhà máy tồn đọng đường, không thể xoay vòng vốn...
Điều vô lý là có lúc giá đường nhập lậu chỉ 350 USD/tấn, thấp hơn cả giá mua mía nguyên liệu ở Thái Lan. Tình trạng giá đường bằng giá mía chỉ chấm dứt khi tháng 9-2020, Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp đối với đường từ Thái Lan thì giá đường trong nước mới ổn định trở lại" - ông Chiến cho biết.
Theo ông Chiến, khi Việt Nam xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo Hiệp định hàng hóa ASEAN (ATIGA), ngành đường trong nước phải đối mặt nạn cạnh tranh không sòng phẳng với đường ngoại nhập, đặc biệt là từ Thái Lan. Việc đường Thái Lan nhập vào nước ta bán với giá rất thấp làm nông dân và doanh nghiệp mía đường điêu đứng.
Nói về sự cạnh tranh với đường nhập từ Thái Lan, ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Công ty KCP), cho rằng ngành mía đường của Thái Lan đã phát triển khoảng 60 năm, họ có những cơ chế trực tiếp, gián tiếp hỗ trợ ngành mía đường nên việc cạnh tranh với đường Thái Lan rất khó.
Tuy nhiên, không phải là không thực hiện được. Cũng theo ông Subbaiah, trong khu vực, ngoài Thái Lan và Việt Nam, còn có 2 nước cũng sản xuất mía đường là Indonesia và Philippines. Dù 2 nước này tham gia ATIGA từ năm 2015 nhưng họ vẫn bảo đảm cho ngành mía đường trong nước phát triển bằng cách quản lý hạn ngạch nhập khẩu rất tốt.
"Họ xem đường, gạo là 2 mặt hàng nhạy cảm nên chống nhập lậu rất nghiêm. Hiện nay, giá đường ở 2 nước này vẫn nằm ở mức cao, Indonesia 19.000 đồng/kg, Philippines 21.593 đồng/kg, còn Việt Nam 17.796 đồng/kg, chỉ nhỉnh hơn Thái Lan một chút (16.673 đồng/kg). Dù Bộ Công Thương đã điều tra và áp dụng mạnh mẽ biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường Thái Lan nhưng đường Thái Lan vẫn tìm cách "lẩn tránh" bằng cách đi vào các nước trong khối ASEAN rồi nhập ngược vào Việt Nam" - ông Subbaiah nêu vấn đề.
Kỳ 2: Để mía đường có vị ngọt
Phải thu hẹp diện tích trồng và nhà máy
Theo nghiên cứu của TS Cao Anh Đương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường, khu vực Nam Trung Bộ có 9 NMĐ, đến niên vụ 2020 - 2021 chỉ còn 6 nhà máy còn hoạt động với tổng diện tích mía thu hoạch chỉ đạt hơn 31.000 ha. Trong đó, Phú Yên là tỉnh có 2 NMĐ còn hoạt động với tổng diện tích trồng mía lớn nhất khu vực với trên 16.000 ha.
Theo đánh giá của TS Cao Anh Đương, Khánh Hòa đứng thứ 2 - tỉnh này có 2 NMĐ với diện tích thu hoạch đạt khoảng 9.000 ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết niên vụ 2020-2021, diện tích mía tỉnh này là 12.500 ha nhưng dự kiến năng suất, sản lượng mía cũng không cao, do hầu hết nông dân "bỏ mặc" không đầu tư.
Bình luận (0)