Theo Bộ Công Thương, ngân sách năm 2014 chi cho xúc tiến thương mại quốc gia là 70 tỉ đồng. Năm 2015, ngân sách duyệt chi 100 tỉ đồng để hỗ trợ 212 đề án xúc tiến thương mại của 70 đơn vị.
Vắng như chùa bà Đanh
Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 4 năm nay, hiệp hội này không sử dụng đến quỹ xúc tiến thương mại của quốc gia nữa. Nguyên nhân do trước đây, mặc dù lập rất nhiều đề án nhưng không hiểu vì sao không được phê duyệt.
Một doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu giống gạo Japonica (gạo Nhật Bản) cho biết hầu như phải tự tìm hiểu thị trường xuất khẩu chứ không nhờ qua kênh tham tán bởi liên hệ không dễ mà hiệu quả không cao.
Các DN nhỏ ít khi có cơ hội tham dự các hội chợ lớn hay tham gia vào các đoàn xúc tiến ở nước ngoài vì kinh phí tự bỏ ra rất lớn. Kinh phí của nhà nước hầu như không mơ tới và cũng chẳng đáng kể, chỉ 40-60 triệu đồng, không đủ tiền đi lại sang nước ngoài. Khi tham dự hội chợ định hướng xuất khẩu trong nước thì số tiền hỗ trợ 12 triệu đồng không đủ để DN thuê quầy. Kênh tìm bạn hàng của DN này là từ internet và tìm hiểu qua hiệp hội.
Giám đốc một DN may mặc ở TP HCM sau 1 lần đăng ký đi hội chợ chuyên về may mặc ở Las Vegas (Mỹ) theo kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia thì không dám tham gia bất cứ chương trình nào như vậy nữa.
“Đi bằng tiền nhà nước (được hỗ trợ 50% phí thuê gian hàng, tương đương 1.500-2.000 USD) nhưng không thu hoạch được gì vì khu gian hàng chung của Việt Nam chỉ có vài DN hoạt động, vắng như chùa bà Đanh. Trong khi đó, năm 2013, cũng là hội chợ ấy, chúng tôi tự bỏ toàn bộ tiền túi tham gia thì kết quả rất tốt. Khách tham quan gian hàng rất đông. Sau hội chợ, chúng tôi lần theo danh thiếp khách hàng để lại mà tiếp cận và phát triển được 2-3 hợp đồng mới trị giá 2 triệu USD” - vị giám đốc này kể.
Cũng theo giám đốc này, xúc tiến thương mại ra nước ngoài có 2 hình thức: Một là DN tự tìm hiểu thị trường, lịch hội chợ triển lãm và đăng ký tham gia. Hai là đi theo những chương trình xúc tiến do các hiệp hội, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức. Nhiều năm nay, các hội chợ, triển lãm do các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội tổ chức thường không hiệu quả. Ban tổ chức quy hoạch cho Việt Nam một khu vực chung để trưng bày nhưng sau lễ khai mạc thì chỉ còn vài gian hàng hoạt động, số còn lại bỏ trống do nhân viên của những DN này bỏ đi làm việc riêng, không có mặt tại hội chợ.
Thường các gian hàng bị bỏ trống là gian hàng của DN nhà nước, DN cổ phần còn vốn nhà nước chi phối. Những DN “bỏ trốn” kiểu vậy làm ảnh hưởng lớn đến những DN muốn xúc tiến thương mại thật sự. Cơ quan xúc tiến thương mại cũng là đơn vị tổ chức cho DN Việt Nam đi biết rõ nhưng làm ngơ. Rất nhiều DN bức xúc và không có ý định tham gia thêm lần thứ 2, dù được hỗ trợ 50% phí gian hàng. Chuyện này xảy ra như cơm bữa.
Hô hào là chính
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng các đơn vị tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam hiện chủ yếu “đánh trống thổi kèn”: Thông báo sự kiện hội chợ triển lãm ở đâu, khi nào, DN nào muốn tham gia thì đăng ký và sẽ được nhà nước hỗ trợ những gì. Như vậy, chỉ mới đáp ứng được phần hình thức chứ chưa thật sự đi vào nội dung xúc tiến thương mại.
Theo các DN, ngân sách nhà nước bỏ ra hằng năm rất lớn cho các chương trình xúc tiến thương mại nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Chỉ khi nào nguồn kinh phí xúc tiến thương mại được kiểm soát chặt chẽ, các chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức bài bản, rõ ràng kèm theo những thông tin hữu ích cho DN trước và sau chuyến đi... mới hy vọng xúc tiến thương mại ra nước ngoài phát huy hiệu quả theo đúng chức năng của mình.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định có rất nhiều khó khăn trong công tác xúc tiến thương mại hiện nay. Trong đó, việc đầu tư cho hoạt động này vẫn còn hạn chế so với thế giới cũng như với các nước trong khu vực. Bộ Công Thương đã gặp rất nhiều khó khăn khi phê duyệt chương trình Xúc tiến thương mại. Nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực, phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí nên không thể phê duyệt thực hiện.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến thương mại còn thiếu thốn và sơ sài, ảnh hưởng tới quy mô của các hội chợ triển lãm nên hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Mặt khác, năng lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại của DN nhìn chung còn hạn chế, đặc biệt đối với các DN nhỏ và vừa. Do đó, các DN cũng cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc tìm hiểu thông tin và tham gia vào mạng lưới xúc tiến thương mại.
Kinh phí quá ít (?)
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kinh phí dành cho chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới). Tính theo tỉ lệ phần trăm chỉ tương đương 1/30 tỉ lệ trung bình của toàn thế giới, bằng 1/4 so với Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan.
Bình luận (0)