Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến từ ngày 15-9, Việt Nam mở cửa lại đường bay quốc tế giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và từ ngày 22-9 đối với đường bay giữa Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Lào. Nhiều công ty du lịch nhìn nhận dù chưa mở cửa với khách du lịch nhưng đây là tín hiệu ban đầu tích cực, đem lại kỳ vọng cho ngành trong bối cảnh đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Sẵn sàng đón khách
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel, cho rằng quyết định mở cửa lại đường bay quốc tế trước mắt sẽ "cứu" ngành hàng không, tạo thông tin tích cực về việc Việt Nam sẽ mở cửa trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Về du lịch, dù chưa thể tác động ngay nhưng vẫn là thông tin tốt cho thị trường. "Ở góc độ doanh nghiệp (DN), chúng tôi luôn có tinh thần sẵn sàng để khai thác du lịch quốc tế trở lại. Mấy tháng nay, công ty kiện toàn bộ máy và bộ sản phẩm, nhân viên nghỉ việc sẽ được quay lại khi DN có yêu cầu" - ông Toản nói.
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist vẫn đang triển khai dịch vụ cho các công ty du lịch nước ngoài. Ông Nguyễn Hữu Y Yên, tổng giám đốc công ty, cho biết các dịch vụ vẫn được chuẩn bị để có thể đón hãng du lịch tàu biển nước ngoài cập cảng Việt Nam từ 3.000 đến 5.000 khách. Do đó, bất cứ khi nào Chính phủ mở cửa lại thị trường khách quốc tế là Lữ hành Saigontourist sẵn sàng đón khách.
Trước thông tin Bộ Giao thông Vận tải dự kiến cho nhập cảnh gồm các nhà ngoại giao, nhà hoạt động công vụ, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước, công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài đang thực hiện dự án tại Việt Nam, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, nhận định các bước mở cửa từ từ cùng giải pháp y tế phù hợp trong điều kiện hiện nay sẽ mang lại tín hiệu tích cực hơn cho thị trường du lịch inbound - khách quốc tế vào Việt Nam và outbound - khách Việt đi du lịch nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, quan điểm của Chính phủ trong việc mở lại một số đường bay quốc tế là bước đi khá thận trọng. Giải pháp này hiện chưa cho phép khách du lịch của Việt Nam tới các nước và ngược lại nhưng lại rất cần thiết để mở ra cánh cửa hy vọng cho ngành du lịch. "Trước mắt, các DN trong ngành du lịch cần khai thác tốt thị trường nội địa ở những điểm đến an toàn, vùng an toàn, không có ca nhiễm để "sống sót" qua giai đoạn này. Tổng cộng 2 đợt dịch vừa qua có 15/63 tỉnh, thành có dịch và đến giờ chỉ còn 5 địa phương có ca lây nhiễm. Cũng chưa có quy định nào cấm đi du lịch tới các địa phương, do đó, cần thiết lúc này là thông tin về những điểm đến an toàn, vùng an toàn để du khách có thể yên tâm" - ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.
TP HCM và hầu hết các tỉnh, thành đều trông đợi ngành du lịch sẽ khởi sắc trở lại. Trong ảnh: Du khách tham quan TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chờ gói hỗ trợ mạnh hơn
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, đến thời điểm này, hoạt động của các DN trong ngành du lịch vẫn rất khó khăn. Từ giữa tháng 8-2020 đến nay, một số DN bắt đầu tiếp nhận khách đến hỏi tour, đặt tour trực tiếp nhưng chủ yếu là tour gia đình, tour tự túc… Các DN đang giới thiệu tour đến những điểm đến, vùng được đánh giá an toàn như khu vực TP HCM và các tỉnh lân cận, đồng bằng sông Cửu Long, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt… Giám đốc một công ty du lịch chuyên đón khách quốc tế cho biết công ty vừa phải cho nhân viên nghỉ việc đợt 2. "Công ty "gồng" không nổi nữa, đã 5 tháng không có khách, không có nguồn thu. Một số nhân viên thấy công ty quá khó khăn đã tự xin nghỉ" - vị giám đốc DN này buồn bã nói.
Phản ánh đến Sở Du lịch TP HCM, một số DN cho đến nay vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ. Cụ thể, do không có tài sản thế chấp nên DN khó tiếp cận các gói vay của ngân hàng. "Hầu hết người lao động, DN lữ hành, nhất là DN vừa và nhỏ, vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Tình hình áp dụng chính sách tại mỗi địa phương có đặc thù riêng. Các quy định, điều kiện nhận được tiền hỗ trợ chưa có hướng dẫn cụ thể đối với nghề hướng dẫn viên nên DN và người lao động phải làm nhiều thủ tục xác nhận chuẩn hộ nghèo, chứng minh thu nhập trước khi mất việc, xác nhận không lao động ở quê…" - lãnh đạo Sở Du lịch TP dẫn chứng và kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo điều kiện cho DN du lịch tiếp cận các gói hỗ trợ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ thì kiến nghị chính sách đặc thù, riêng biệt để hỗ trợ mạnh mẽ, quyết liệt hơn cho ngành du lịch vốn được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay.
Đề xuất sớm có gói hỗ trợ giai đoạn 2
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV, đến nay Việt Nam đã có 4 gói hỗ trợ với tổng giá trị thực ước tính 181.400 tỉ đồng, tương đương 3% GDP năm 2019. Tuy nhiên, chỉ có gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, 3 gói còn lại rất chậm và còn vướng mắc cần sớm khắc phục. Do đó, thời gian tới cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại nhằm góp phần giảm thiểu tác động do dịch bệnh gây ra. "Cần sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2) với giá trị khoảng 150.000 tỉ đồng (tương đương 2,5% GDP) từ quý IV/2020 đến hết năm 2021. Như vậy, tổng giá trị các gói hỗ trợ của cả 2 giai đoạn sẽ vào khoảng 331.400 tỉ đồng, tương đương 5,5% GDP" - TS Cấn Văn Lực đề xuất.
Bình luận (0)