Hiếm khi nào hình ảnh đất nước, con người Việt Nam xuất hiện trên khắp thế giới như thời gian qua. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 và đám cưới "khủng" của tỉ phú Ấn Độ đã tạo cú hích cho du lịch MICE (tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng) bứt phá.
Thúc đẩy du lịch bằng e-Visa
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 07 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp e-Visa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Nghị định thí điểm trong 2 năm, mở rộng danh sách 34 nước có công dân được thí điểm cấp e-Visa như Áo, Bồ Đào Nha, Bỉ, Thụy Sĩ, Brazil, Mexico… Tính đến nay, Việt Nam đã thí điểm e-Visa cho công dân 80 nước. Tám cửa khẩu đường hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ và 9 cửa khẩu đường biển cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-Visa.
Bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho biết chính sách visa của Việt Nam trước đây khá bất lợi so với các nước trong khu vực. Do đó, việc Chính phủ ra nghị định mở rộng e-Visa thêm cho công dân 34 nước cho thấy sự kịp thời đón đầu xu hướng và nhu cầu của khách du lịch. "Sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 được tổ chức ở Hà Nội, hình ảnh đất nước Việt Nam được du khách trên thế giới biết đến nhiều hơn và nhu cầu tìm hiểu, du lịch đến Việt Nam chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới" - bà Giang nói.
Du lịch Phú Quốc nói riêng và Việt Nam nói chung được lợi lớn sau sự kiện đám cưới của tỉ phú Ấn Độ. Ảnh: HOÀNG TUẤN
Các công ty du lịch cho rằng chính sách visa cởi mở sẽ là một trong những bước quan trọng cần làm để thu hút thêm khách quốc tế. Trên thực tế, chính sách visa thông thoáng có thể giúp hình ảnh du lịch Việt Nam thêm cởi mở, năng động, tăng sức cạnh tranh so với các điểm đến khác. Bằng chứng là thời gian qua, lượng du khách từ Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... đến Việt Nam tăng mạnh nhờ chính sách e-Visa đối với các thị trường này.
"Dọn nhà" đón thêm khách
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cho rằng ngành du lịch Việt Nam đang có lợi thế lớn sau những sự kiện tầm quốc tế được tổ chức ở nước ta. Mới đây, đám cưới "khủng" của tỉ phú Ấn Độ ở Phú Quốc cho thấy năng lực tổ chức du lịch MICE và góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam. Việc mở cửa bằng e-Visa sẽ góp phần đón thêm nhiều khách quốc tế vào nhà. "Cơ hội để ngành du lịch "dọn dẹp" nhà cửa đón khách sang là rất lớn. Công việc cần làm lúc này là quảng bá, xúc tiến để mời khách đến nhà bởi ngoài hình ảnh, thông tin du khách đã nghe, thấy, biết thì việc quảng bá trực tiếp ở một số thị trường trọng điểm là rất cần thiết" - ông Thành nhìn nhận.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, cho rằng cần xác định đâu là sản phẩm đặc trưng của ngành du lịch, từ đó xây dựng sản phẩm chuyên biệt cho từng vùng, từng địa phương. Các địa phương nên có sự liên kết để tăng trải nghiệm, thời gian lưu trú của du khách. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hạ tầng dịch vụ, khai thác chuỗi cung cấp du lịch để có thể phục vụ được số lượng lớn du khách cùng lúc. Đây cũng chính là yếu tố để phát triển du lịch MICE - một hình thức du lịch đang đem lại nguồn thu to lớn, mà sự kiện đám cưới của tỉ phú Ấn Độ vừa qua là ví dụ.
"Nhặt sạn" sản phẩm du lịch
Với những lợi thế đang có, ngành du lịch Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc hoàn thành mục tiêu đón 18-20 triệu lượt khách quốc tế năm nay, thậm chí nhiều hơn. Theo ông Từ Quý Thành, cần tích cực "nhặt sạn" sản phẩm du lịch ở các điểm đến, không để du khách quốc tế nản lòng về tình trạng "chặt chém", làm ăn chụp giật của một vài cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, tình trạng cướp giật ở các địa phương... để thu hút và giữ chân du khách.
Bình luận (0)