xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở thêm thị trường cho nông sản (*): Sức ép nâng chất lượng

TÂM MINH - CA LINH - THỐT NỐT

Nông dân muốn tự giải cứu mình phải nghe theo khuyến cáo của các nhà khoa học cũng như ngành nông nghiệp

Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đều cho rằng thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản không chỉ để sản phẩm xuất được sang các thị trường khó tính mà để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng trong nước. Chưa kể, thị trường Trung Quốc cũng không còn dễ tính như trước.

Không còn đường nào khác

70% sản lượng của HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) được xuất khẩu qua Trung Quốc. Mọi năm, việc xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch thuận lợi nên giá chôm chôm được thương lái thu mua trên 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ sau Tết nguyên đán, do dịch Covid-19, việc thông quan ở các cửa khẩu gặp trở ngại, giá chôm chôm Java chỉ còn 6.000 đồng/kg khiến nhiều xã viên trong HTX điêu đứng.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước, cho biết chôm chôm của các xã viên tới mùa thu hoạch nhưng không thể nào tiêu thụ hết trong nước do "đụng hàng" với nhiều loại trái cây khác. "Tôi phải đi nhiều nơi tìm đối tác mua chôm chôm xuất khẩu sang các thị trường khác, chứ bán ở các chợ thì rất rẻ. Sắp tới, tôi cũng sẽ tiếp tục làm tái chứng nhận GlobalGAP để chôm chôm xuất sang được nhiều thị trường" - ông Nhân cho biết.

Trong khi đó, xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh này cũng là địa phương dẫn đầu về diện tích (khoảng 9.300 ha) và thứ 2 về sản lượng (gần 100.000 tấn/năm) ở ĐBSCL. Tuy nhiên, theo ông Phan Ngọc Văn (ngụ xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), trước đây người dân chủ yếu làm theo phương pháp truyền thống, chỉ quan tâm đến sản lượng mà chưa chú ý tới yêu cầu thị trường, dẫn đến dồn hàng, dội chợ. Thêm vào đó, việc sử dụng quá liều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khiến DN không mặn mà thu mua. Chính điều này khiến giá trị trái xoài luôn trong trạng thái bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường.

Nhận thấy sản xuất xoài theo kiểu cũ không còn phù hợp, ông Văn cùng nhiều nhà vườn tại cù lao Tân Thuận Đông đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện bao trái để sản xuất xoài an toàn. Đến nay, 100% diện tích trồng xoài nơi đây đều thực hiện bao trái để hạn chế dư lượng thuốc BVTV.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý để ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch đã từng bước được áp dụng như xây dựng nhãn hiệu, mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ blockchain (lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian) vào việc truy xuất nguồn gốc xoài.

Bên cạnh những loại nông sản khác, gần đây thanh long cũng được xem là ngành hàng tiềm năng ở Đồng Tháp. Theo ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc HTX Thanh long hội quán (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), ban đầu, HTX chỉ là tổ hợp tác sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP nội địa. Do sản phẩm tiêu thụ bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường nên các thành viên trong HTX đã quyết định nâng cấp đầu tư sản xuất thanh long theo quy trình sạch để xuất đi nhiều nước trên thế giới. "Không còn con đường nào khác ngoài việc sản xuất theo quy trình an toàn để có đầu ra ổn định. Trồng theo quy trình VietGAP, trái thanh long sau thu hoạch bảo đảm không bị dư lượng thuốc BVTV, vừa an toàn cho người dùng vừa an toàn cho người trực tiếp sản xuất" - ông Tuấn bày tỏ.

Liên kết vẫn là yếu tố quyết định

Dưới góc độ DN chuyên chế biến hàng nông sản, cũng là một trong những chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, nhấn mạnh: "Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta vẫn còn thua trên sân nhà. Vì vậy, trước khi nghĩ tới việc xuất khẩu nông sản, chúng ta hãy đánh thắng trên sân nhà trước, tiếp đó mới nghĩ đến việc khác".

Mở thêm thị trường cho nông sản (*): Sức ép nâng chất lượng - Ảnh 1.

HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước đang tìm nhiều thị trường để xuất khẩu. Ảnh: Lê Khánh

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, người tiêu dùng trong nước rất quan ngại về chất lượng nông sản trong nước do những tồn dư hóa chất, thuốc tăng trưởng... "Để người tiêu dùng thực sự tin tưởng, chúng ta phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Trong đó, chú trọng sản xuất nông sản theo các quy trình sản xuất sạch VietGAP hay GlobalGAP. Sau khi đã quen với việc này mới bắt đầu thực hiện quảng bá rộng rãi về thế mạnh nông sản địa phương từ quá trình sản xuất đến thu hoạch. Cùng với đó, phải có những điểm, khu du lịch về sản phẩm nông sản sạch để nâng cao sự bền vững" - Chủ tịch HĐQT Vinamit phân tích.

Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho rằng liên kết vẫn là yếu tố quyết định sự thành công của ngành nông nghiệp. Để phát triển nông nghiệp bền vững, DN, nông dân phải chú trọng vấn đề quảng bá, xây dựng thương hiệu, vì làm tốt điều này mới tạo ra được thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, trong thời công nghệ 4.0, nông dân phải thoát khỏi cái bẫy của đồng bằng là tự bằng lòng để nâng cao khát vọng làm giàu bền vững. "Chúng ta phải cùng nhau thay đổi để tạo ra nhiều giá trị mới cho nông sản và phát triển lên tầm cao mới..." - Bí thư Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trong khi đó, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay đã gây rất nhiều khó khăn cho nông dân trong việc làm ra sản phẩm phục vụ xuất khẩu, nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn do thiếu nước ngọt từ thượng nguồn đổ về. Trong khi đó, cả nông dân và DN vẫn thường xuyên chịu rủi ro do ảnh hưởng từ thị trường lớn nhất trên thế giới ở Trung Quốc. Cũng chính những rủi ro đó đã tạo nền kinh tế "giải cứu" như hiện nay đối với nhiều loại nông sản.

"Nông dân muốn tự giải cứu mình thì phải nghe theo khuyến cáo của các nhà khoa học và ngành nông nghiệp như trồng cây gì, ở đâu, sử dụng loại phân thuốc nào với liều lượng bao nhiêu để sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm rồi cung cấp cho DN chế biến, xuất khẩu. Các DN cũng phải trực tiếp đi tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để xem nhu cầu của những nơi đó như thế nào rồi ký hợp đồng hẳn hoi với đối tác. Khi đó, DN quay về liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để chất lượng sản phẩm được đồng nhất về chất lượng cũng như mẫu mã hàng hóa. Có như vậy, nông sản Việt Nam mới nâng cao được giá trị trong nước cũng như cho xuất khẩu" - GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo