Báo cáo tại phiên họp trực tuyến Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết phần lớn chi phí của doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay là trả lãi suất ngân hàng do phải dựa vào vốn tín dụng.
Do các thị trường vốn chưa phát triển, nhiều năm nay, hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn quan trọng nhất cho nền kinh tế Việt Nam với quy mô tín dụng bằng khoảng 110-120% GDP, tương đương 6 triệu tỉ đồng. Mặt bằng lãi suất hiện nay, vay dài hạn đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh là 6-9%, ngắn hạn là 9-11%, lãi biên là 3-5%.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, ngân hàng đang thu từ nền kinh tế khoảng 200.000 tỉ đồng lãi suất/năm. Con số này cao hơn toàn bộ số thu từ thuế thu nhập DN vào ngân sách Nhà nước vì số thu này đạt khoảng 188.000 tỉ đồng/năm. Do đó, nếu phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5%-1% thì tác động còn lớn hơn so với giảm thuế thu nhập DN.
Thông tin từ Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước có 61.276 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596.200 tỉ đồng, tăng 12,4% về số DN và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 9,7 tỉ đồng, tăng 24%. Tuy nhiên, quy mô của các DN Việt Nam chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, thiếu vắng các DN vừa và lớn. Về hiệu quả hoạt động của DN, cứ 2 DN mới ra đời thì có 1 DN chết lâm sàng, tỉ lệ này được cho là khá bất thường.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia mới đây, có chuyên gia đúc kết "nền kinh tế Việt Nam dựa vào nợ công, còn DN dựa vào vốn vay". DN Việt Nam vốn mỏng, lãi suất cao nên khó trụ được khi gặp khó khăn.
Bình luận (0)