Được phê duyệt từ năm 2010, Khu du lịch sinh thái Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) của Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng đã xong phần giải tỏa đền bù nhưng vẫn chưa được TP Đà Nẵng chấp thuận quy hoạch. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết đang trong quá trình xem xét điều chỉnh quy hoạch và có thể sẽ ra quyết định trong năm 2019.
Giải tỏa rồi... để đó!
Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô đã thực hiện giải tỏa 3 khu dân cư tại phường Hòa Hiệp Nam với gần 700 hộ dân. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, cho biết dự án đã xong phần giải tỏa đền bù, tất cả hộ dân nằm trong vùng dự án đã chấp thuận chủ trương và di dời. "Chính quyền địa phương đã nhiều lần họp dân khu vực lân cận dự án để lấy ý kiến điều chỉnh dự án. Hiện tại, cơ bản người dân cũng đồng thuận việc triển khai dự án. Chỉ còn phần điều chỉnh ghềnh Nam Ô bên trong dự án thì phường đang chờ văn bản của lãnh đạo TP để tiếp tục họp dân lấy ý kiến" - bà Lệ giải thích thêm.
Một góc khu vực dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô
Do dự án chưa thực hiện nên toàn bộ khu vực đã giải tỏa đang hoang tàn, nhếch nhác. Theo ông Lê Nén (85 tuổi, người dân làng Nam Ô sống ở mép dự án), từ ngày dự án được phê duyệt và bắt đầu giải tỏa đền bù, khu vực làng Nam Ô bị ảnh hưởng nhiều. "Các nhà nằm trong vùng dự án bắt đầu di dời, giải tỏa. Còn những nhà sống bên cạnh dự án, nằm ngoài khu giải tỏa thì thấp thỏm, chúng tôi mong nhanh chóng thực hiện dự án. Đừng để người dân sống cảnh quy hoạch treo" - ông Nén bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, thông tin người dân ở lại đây không biết bao giờ dự án được triển khai. Do khu vực dự án đã rào lại nên phần sinh hoạt công cộng của người dân bị hạn chế, đường xuống biển cũng gặp khó.
"Theo kế hoạch, dự án góp phần làm cho Nam Ô khang trang, văn minh hơn so với trước. Bao đời nay người dân ở đây còn nghèo khó. Chủ đầu tư dự án cam kết xây đường, mở lối xuống biển… để tạo điều kiện cho bà con nơi đây tiếp tục sinh kế nên chúng tôi cũng mong muốn sớm được triển khai. Đừng giẫm chân tại chỗ gây ảnh hưởng tới người dân" - ông Vinh kiến nghị.
Chờ phê duyệt điều chỉnh 7 nội dung
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có thông báo điều chỉnh 7 nội dung liên quan đến dự án này. Cụ thể là thu hồi một số diện tích đất nằm trong dự án so với phê duyệt ban đầu gồm: vệt đất mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành (nối dài), toàn bộ ghềnh Nam Ô, bãi cát để phục vụ công cộng, mở rộng đường dân sinh từ 4 m lên 5,5 m. Đồng thời, TP Đà Nẵng cũng điều chỉnh giữ nguyên các khu di tích tâm linh ở khu vực dự án, giữ nguyên hồ chứa nước sinh thái bên trong. "Hiện tại, Viện Quy hoạch TP đã hoàn thiện hồ sơ và sẽ trình lãnh đạo TP quyết định trong năm 2019. Vấn đề này TP đã xem xét thông qua, hài hòa lợi ích của người dân và bảo đảm đúng quy định của pháp luật" - ông Hùng khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng, nhìn nhận chủ đầu tư đã chi 500 tỉ đồng cho dự án từ khi mới được phê duyệt. Ngoài ra, mỗi tháng, chủ đầu tư còn chi 100 triệu đồng để dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực bên trong dự án.
Theo bà Tuyết, dự án đã được giải tỏa xong và công ty đã làm việc với các đơn vị thiết kế quốc tế để sẵn sàng triển khai dự án ngay sau khi được lãnh đạo TP Đà Nẵng chấp thuận phê duyệt quy hoạch. "Chúng tôi mong muốn sớm được triển khai dự án. Chúng tôi bảo đảm xây các lối xuống biển, bảo tồn, trùng tu các công trình tâm linh" - bà Tuyết cam kết.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng khẳng định sẽ quan tâm vấn đề an sinh xã hội với người dân địa phương như tạo công ăn việc làm, khôi phục làng nghề và xây dựng các công trình công cộng. Bà Tuyết cũng đề xuất lãnh đạo TP Đà Nẵng cho chủ đầu tư được quản lý ghềnh Nam Ô theo hướng giữ nguyên hiện trạng, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn xã hội, không khai thác thương mại.
Mong phát triển nghề truyền thống
Ông Trần Ngọc Vinh cho biết Nam Ô còn 53 hộ dân làm nghề nước mắm truyền thống. Tuy nhiên, sản xuất manh mún và chưa có đầu ra ổn định. Trong kế hoạch thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô có hạng mục phục hồi và tái phát triển làng nghề truyền thống này. Ông Vinh đề xuất lãnh đạo TP và chủ đầu tư xây dựng một không gian trưng bày của làng nghề để giới thiệu cho khách du lịch về sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, nâng cao thương hiệu nước mắm Nam Ô.
Ông Trần Khôi Nguyên, đại diện cơ sở sản xuất nước mắm Dì Nga (Nam Ô), cho hay mỗi năm, cơ sở của ông sản xuất khoảng 10.000 lít nước mắm cao cấp. "Tuy nhiên, hoạt động sản xuất chủ yếu từ lao động trong gia đình. Nếu dự án mở rộng, khôi phục làng nghề, tôi sẽ mở rộng cơ sở, đẩy sản lượng sản xuất mỗi năm lên gần 3-4 lần so với hiện nay" - ông Nguyên nói.
Bình luận (0)