Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022.
Theo báo cáo, năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đi kiểm tra thực địa các dự án tại vùng Đông Quảng Nam
Tỉnh Quảng Nam đã thực hiện ưu tiên cao nhất công tác phòng, chống dịch Covid-19, chăm lo bảo vệ sức khỏe Nhân dân; thực hiện có hiệu quả chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kiên cường vượt qua khó khăn, thách thức, kiểm soát được tình hình.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Nam vẫn đạt được một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt 21.154 tỉ đồng, đạt 109,3% so với dự toán. Trong đó, thu nội địa 17.519 tỉ đồng, đạt 109,5% dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.635 tỉ đồng, đạt 108,5% dự toán.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam dự lễ khai trương showroom Kia tại THACO
UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá cơ cấu nguồn thu chuyển biến theo hướng tích cực, ít lệ thuộc vào một số sản phẩm chủ lực. Điển hình, nếu như năm 2015, số thu từ ô tô chiếm hơn 70% tổng thu nội địa của Quảng Nam thì năm 2021 giảm xuống dưới 50%; số thu từ các ngành dịch vụ cũng không đạt theo kế hoạch do tác động của dịch Covid-19.
Ngoài điểm sáng về thu ngân sách, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam ước tăng 5,1%, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng trường cao hơn so với bình quân chung của cả nước.
Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện; các cấp, các ngành chủ động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, cấp phép, giao đất và những khó khăn, vướng mắc.
Quảng Nam đã bớt phụ thuộc nguồn thu từ ô tô nhưng đây vẫn là nguồn thu chủ yếu
Công tác lập và quản lý quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường tiếp tục được quan tâm chú trọng; công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án, công trình trọng điểm, động lực thường xuyên được kiểm tra, đôn đốc thực hiện để thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm, đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng chế độ, chính sách; tổ chức an toàn, thành công các kỳ thi và tổ chức năm học mới học sinh được học tập trực tiếp trong môi trường kiểm soát được dịch bệnh; đời sống Nhân dân tiếp tục được chăm lo, cải thiện.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức thành công, an toàn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng nhìn nhận hạn chế và thách thức trong năm 2021, như: Khâu tổ chức thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm, năng lực thích ứng, ứng phó và xử lý những tình huống cấp bách, đột xuất, bất ngờ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 có thời điểm còn lúng túng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chủ trì họp với các ngành chức năng
Tăng trưởng kinh tế cả năm mặc dù đã có nhiều cố gắng, song vẫn chưa đạt như mong muốn; sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm trong ngành du lịch, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý nhà nước về đất đai, bố trí quỹ đất tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội, khoáng sản, vật liệu san nền ở một số địa phương còn có mặt hạn chế.
Tiến độ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư một số dự án công trình, tiến độ thực hiện một số dự án động lực, trọng điểm chưa bảo đảm yêu cầu.
Tiến độ triển khai xây dựng các Đề án, Chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 còn chậm.
Đời sống của một bộ phận người lao động, nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của thiên tai nặng nề, cần phải huy động các nguồn lực lớn và mất nhiều thời gian để khắc phục hậu quả…
Bình luận (0)