Nay, con trâu vốn là đầu cơ nghiệp của nhà nông, nhưng với mỗi hộ dân ở các xã vùng biên giới Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), con trâu được coi như một thành viên trong gia đình. Nhà nào cũng nuôi trâu, ít cũng có một con để kéo cày, nhiều thì nuôi đàn có tới cả chục con. Số trâu nhiều - ít được coi như một thước đo mức độ giàu có của mỗi nhà.
Ông Lê Văn Phước đang chăm sóc đàn trâu của gia đình
Con trâu không những đảm đương những công việc đồng áng mà còn giữ vai trò là vật nuôi giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu. Nhân dịp đầu năm Tân Sửu 2021, về vùng biên giới xa xôi của tỉnh Đồng Tháp để gặp những lão nông vươn lên thoát nghèo từ nghề nuôi trâu vỗ béo.
Vừa nhanh tay sắp xếp lại thức ăn cho đàn trâu, ông Lê Văn Phước (ngụ xã Bình Phú, huyện Tân Hồng), người có thâm niên nuôi trâu hơn 30 năm, vừa cười hồn nhiên, khoe tài sản gần 20 con trâu đen bóng trong chuồng.
Ông Phước nói hạt lúa, củ khoai ở khu vực này có sẵn, đất rộng bạt ngàn, người dân cần cù chịu khó… mà cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thừa tiềm năng, nhưng vẫn còn bỏ ngỏ, ông Phước cũng từng loay hoay với đủ thứ nghề để tìm cách thoát nghèo.
Nhờ mô hình nuôi trâu vỗ béo, gia đình ông Phước thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Từ nhỏ, ông Phước đã theo cha kiếm sống bằng nghề nuôi trâu để cho thuê kéo hàng hóa. Thế nhưng, nghề này vẫn bấp bênh nên không giúp gia đình ông khá lên. Quyết không nản, từ năm 1990, ông Phước được cha cho ít vốn ra riêng cùng 2 con trâu để gầy dựng sự nghiệp.
Ông Phước nhớ lại, đang lúc phân vân giữa chuyện bán trâu hay để lại thì người em trai Lê Văn Khen mới lấy vợ ở riêng và cũng loay hoay như anh ngày nào. Khi thấy ông Khen chọn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo, nhưng chỉ nuôi 1 - 2 con, với hy vọng bán mỗi con sẽ kiếm được đôi ba chục triệu đồng, ông Phước khuyên em chăn nuôi thời điểm này phải ít nhất từ chục con trở lên mới có lãi, chứ nuôi manh mún biết bao giờ mới giàu. Khuyên em, rồi quay trở lại nhìn mình, bao nhiêu năm bươn bả với đủ thứ nghề…
Từ đó, ông Phước quyết tâm đầu tư chuồng trại để phát triển nghề nuôi trâu vỗ béo. Khi bắt tay vào nuôi, ông Phước phải học từ cái nhỏ nhất. "Từ công đoạn làm chuồng, thay vì buộc trâu quanh nhà như trước đây thì phải xây dựng chuồng trại theo đúng yêu cầu chăn nuôi là "lạnh mùa hè, ấm mùa đông"… Tiếp đến là chọn thức ăn cho đàn trâu, tôi tận dụng lại những thân cây bắp bỏ đi để dành cho đàn trâu", ông Phước kể.
Người nông dân này cũng có thói quen ghi chép sổ sách từng ngày. Mỗi con trâu một ngày ăn hết bao nhiêu kg thức ăn, bao nhiêu phần thức ăn là cỏ voi, thân bắp… đều được ghi chép cụ thể, chi tiết trên từng trang giấy. Bởi theo ông, nông dân mình lâu nay quen kiểu làm ăn tự phát, nhiều lúc không theo dõi nên "vỡ trận" lúc nào không biết. Giờ mình chi tiết từng ngày, đến lúc bán một con trâu mới biết lời lãi như nào để tính tiếp.
Những con trâu đen bóng là thành quả của việc vỗ béo
Nhìn cả chục con trâu đen bóng, khỏe khoắn trong chuồng, mới thấy đúng là nuôi trâu không hề khổ. Mỗi năm, với việc xuất bán trâu giúp mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng cho gia đình ông Phước.
Chia tay ông Phước, đến với lão nông Lê Văn Khen cũng thấy được quy mô chăn nuôi bền vững từ việc nuôi trâu vỗ béo. Ông Khen kể, trước đây, gia đình ông chỉ nuôi khoảng 1 - 2 con trâu và chăn nuôi theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao.
Từ năm 1995, thông qua các lớp tập huấn, ông Khen biết đến phương pháp chăn nuôi trâu vỗ béo rồi đã áp dụng vào thực tế chăn nuôi tại gia đình. Ông Khen chia sẻ: "Nếu như trước đây chăn nuôi truyền thống phải mất 3 năm, tôi mới nuôi được một lứa trâu để bán, thì nay mỗi năm tôi vỗ béo được 2 lứa trâu, mỗi lứa từ 4 đến 5 con, thu lãi khoảng 25 – 30 triệu đồng/lứa. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi 10 con trâu sinh sản theo hướng bán chăn thả. Nhờ đó, hằng năm, gia đình có thu nhập trên 150 triệu đồng từ chăn nuôi trâu".
Ông Võ Văn Chên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú, đánh giá: "Bên cạnh lợi ích chính là mang lại thu nhập cao trong thời gian ngắn, giúp các hộ quay vòng vốn nhanh thì mô hình nuôi trâu vỗ béo còn giải quyết được nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác chăn nuôi hiện nay trên địa bàn huyện, như: giảm tình trạng thả rông gia súc; tăng hiệu quả quản lý đàn trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh; tận dụng được nguồn phụ phẩm để tái đầu tư… Nhờ đó, nâng cao tỷ lệ tăng trưởng đàn trâu, bò của huyện; góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn đang trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19".
Bình luận (0)