Hai tiểu thuyết này lại ra đời cách nhau đúng nguyên một giáp: "Con trâu" của Trần Tiêu in năm 1940 và "Con trâu" của Nguyễn Văn Bổng in năm 1952. Cả hai đều đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình sáng tác của hai nhà văn - một gắn bó với nông thôn Bắc Bộ và một gắn bó với nông thôn Trung Bộ, Nam Bộ.
1. Tiểu thuyết "Con trâu" của nhà văn Nguyễn Văn Bổng kể về câu chuyện xảy ra tại một làng du kích nằm giữa vùng Pháp tạm chiếm, sát nách một làng tề có đồn giặc - dựa trên hiện thực của làng quê Quảng Nam thời kỳ đó. Trong một thời gian dài, chúng ra sức bắt giết trai tráng, sát hại trâu bò. Thâm độc hơn, chúng còn cho bọn tay sai bày ra đủ trò dụ dỗ, cưỡng bức dân về lập làng tề, bầu chọn lý trưởng với mục đích "kìm kẹp" dân làng.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (giữa) thời kỳ ở chiến trường miền Nam
Trước áp lực của giặc, đội du kích bị tổn thất, quần chúng hoang mang, việc đồng áng bị đình đốn, xóm làng hoang vắng. Một số người tuy còn trụ vững nhưng vì không có trâu nên phải nai lưng làm việc thay, vô cùng cực khổ. Không khí vô cùng căng thẳng diễn ra khắp nơi. Nguy cơ vỡ vùng kháng chiến kề cận từng ngày.
Dân làng nhận ra rằng nếu có con trâu thì mọi việc dễ thở hơn nhiều. Đó là vấn đề mấu chốt đặt ra trong tiểu thuyết. Nếu làng có con trâu đỡ đần việc đồng áng thì sẽ dễ dàng vận động mọi người trở về cùng tham gia kháng chiến. Đó là đóng góp đáng kể của tác phẩm trong công cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sau này, nhà văn Nguyễn Văn Bổng kể lại về quá trình sáng tác cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông: "Hồi viết "Con trâu", tôi chưa từng được cầm đến cán cuốc, tay cày. Tôi chưa phân biệt được ruộng lúa tẻ với ruộng lúa nếp... Những hiểu biết về nông thôn là do cách mạng và kháng chiến đem lại cho tôi. Cái vốn để tôi có thể viết "Con trâu" là cái vốn tôi có được từ những ngày đầu lăn lộn trong kháng chiến, từ những ngày tôi mang cái túi bên người, đi khắp các chiến trường trong tỉnh để viết tin bài cho Báo Chiến thắng".
2. Có lẽ nhờ thế mà "Con trâu" đã trở thành cuốn tiểu thuyết Việt Nam hiện đại được dịch và in ở nước ngoài sớm nhất.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Cư, nay thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ngoài tên thật, ông còn dùng một số bút danh khác: Trần Hiếu Minh, Lê Nguyên Trung, Vương Quế Lâm, Phượng Nguyễn.
Nguyễn Văn Bổng học tiểu học ở quê nhà Quảng Nam, sau đó ra Huế học tiếp. Ông đỗ tú tài rồi nhận chân dạy học ở Trường Thuận Hóa. Những năm ở Huế, ông vừa dạy học vừa viết văn. Những tác phẩm khởi đầu sự nghiệp sáng tác của ông gồm: "Say nửa chừng" (1943), "Dưới đáy sông Hương" (1944), "Làm lại cuộc đời" (1944).
Nguyễn Văn Bổng tham gia Cách mạng Tháng 8-1945 tại Đà Nẵng. Sau Cách mạng Tháng tám, ông làm việc tại Ty Thông tin tuyên truyền TP Đà Nẵng (lúc ấy mang tên Thái Phiên), đồng thời tham gia Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Đà Nẵng. Giai đoạn này, ông viết một số bút ký, tập hợp lại trong tập "Nhập vào đám đông", nói lên sự đổi mới do cách mạng đem lại. Nhiều bút ký được trích đăng trên Báo Quyết thắng - cơ quan của Mặt trận Việt Minh Trung Bộ. Sau này, tập bút ký được in ở Nhà Xuất bản Tiền Phong - cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam.
Tới cuối năm 1948, nhà văn Nguyễn Văn Bổng chuyển hẳn sang làm công tác văn nghệ. Ông đảm đương các chức vụ: Chi hội phó Chi hội Văn nghệ Liên khu V, biên tập viên Tạp chí Miền Nam, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Liên khu V. Ông tham gia chiến dịch Đông Xuân 1949-1950 mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đó, ông tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp trên mảnh đất quê nhà. Những năm tháng chiến đấu, làm việc, sinh sống trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng đã cung cấp thêm chất liệu để Nguyễn Văn Bổng hoàn thành tiểu thuyết "Con trâu", làm nên tên tuổi của ông trên văn đàn.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà văn Nguyễn Văn Bổng lại gắn bó với chiến trường Nam Bộ. Ông từng lăn lộn khắp Bến Tre, Cà Mau và nhiều vùng đất Nam Bộ khác. Nhờ thế, ông viết được hai tập sách gắn bó với vùng đất này: "Rừng U Minh" (tiểu thuyết) và "Cửu Long cuộn sóng" (bút ký) - phản ánh một Nam Bộ trong cuộc kháng chiến vô cùng gian lao mà anh dũng.
Từ năm 1963, nhà văn Nguyễn Văn Bổng là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam với bút danh Trần Hiếu Minh. Đến cuối năm 1966, ông vào hoạt động công khai tại Sài Gòn. Ông viết cho Tin văn - tờ báo công khai của phong trào chống Mỹ, cứu nước. Ông là một trong những người tích cực bí mật vận động các giới văn hóa, văn nghệ, báo chí tham gia phong trào.
Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân vào Sài Gòn (1968), nhà văn Nguyễn Văn Bổng có mặt ngay tuyến trước, cùng tham gia chiến dịch. Nhiều tác phẩm của ông ra đời sau chiến dịch và in trong tập "Sài Gòn ta đó". Năm 1972, ông trở lại Hội Nhà văn Việt Nam, từng làm Tổng Biên tập tuần báo Văn nghệ. Năm 1975, ông tham gia Chiến dịch Buôn Ma Thuột, Chiến dịch Hồ Chí Minh, theo chân bộ đội vào đến Sài Gòn giữa trưa 30-4-1975 lịch sử.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhà văn Nguyễn Văn Bổng tiếp tục viết về các vùng mới được giải phóng ở miền Nam và riêng vùng đất Sài Gòn. Tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Văn Bổng, "Tiểu thuyết cuộc đời", được "viết" khi ông đang bị bệnh, phải đọc cho vợ ghi.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng qua đời năm 2001. Ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật trong đợt II năm 2000.
Bình luận (0)