Chị B.L - chủ một doanh nghiệp (DN) kinh doanh sản phẩm sầu riêng có kênh phân phối khắp các siêu thị, cửa hàng tại TP HCM và nhiều tỉnh - đang liên tục phải nhờ khách sỉ tăng mua để giải phóng hàng tồn. Tại kênh siêu thị, DN này khuyến mãi gần 40%, xuống mức giá gần 75.000 đồng/kg sầu riêng loại 1 nhưng tổng lượng tiêu thụ chỉ hơn 100 tấn/tháng. "Chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch làm hàng cấp đông và sấy thăng hoa thay vì chỉ bán hàng tươi nhằm giảm áp lực hàng để lâu sẽ hư hỏng" - chị B.L cho hay.
Bán tươi là… thua
Ông Nguyễn Minh Hậu - Giám đốc Công ty TNHH Sáu Ri, "truyền nhân" của người tạo ra giống sầu riêng Ri6 nổi tiếng - cho biết ngoài tiêu thụ nội địa, DN còn xuất khẩu sầu riêng đông lạnh dạng cấp đông hoặc tách múi sang thị trường Mỹ, Canada, Úc. Đặc biệt, sầu riêng sấy thăng hoa được khách quốc tế ưa thích và đặt hàng thường xuyên. "Chúng tôi duy trì ổn định đầu ra nhờ nghiên cứu phát triển 7 sản phẩm từ sầu riêng" - anh Hậu nói.
HTX Tài Thịnh Phát Farm (tỉnh Cà Mau) đã đầu tư 300 triệu đồng vào nhà sấy năng lượng mặt trời để phục vụ chế biến tôm khô. Bà Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc HTX, kể trước kia, tôm được phơi khô ngoài trời nên mùa mưa không có hàng để cung ứng ra thị trường. Chưa kể, việc phơi thủ công dưới nắng, gió khiến tôm dễ bị hôi, khó kiểm soát được lượng vi sinh và không bảo đảm an toàn thực phẩm.
"Nhờ đầu tư quy trình sản xuất khép kín mà món tôm khô truyền thống của HTX được vào các hệ thống cửa hàng cao cấp, nâng cao giá trị cho đặc sản địa phương" - bà Trang hào hứng.
Với sản phẩm của Cà Mau, HTX Tài Thịnh Phát Farm cũng đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản để có mặt hàng thịt cua bóc vỏ đóng hộp với giá khoảng 2 triệu đồng/kg, tiêu thụ khá tốt tại TP HCM. Trước đó, HTX này từng vận chuyển cua sống lên TP HCM bán nhưng không hiệu quả vì giá thành bị đẩy lên quá cao, không cạnh tranh được sản phẩm cùng dòng trên thị trường.
Là một DN chuyên về xuất khẩu trái cây tươi, Tập đoàn Vina T&T cũng đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến, trước hết là xoài sấy, để đa dạng hóa sản phẩm. "Nhiều loại trái cây của Việt Nam rất ngon nhưng chưa có công nghệ bảo quản để bán tươi sang các thị trường xa nên chỉ còn cách chế biến để xuất khẩu" - ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, nhìn nhận.
Theo bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM), gần đây, công nghệ chế biến rau củ quả, gồm: sấy, ép nước, sơ chế, đóng gói…, nhận được sự quan tâm lớn từ các DN, HTX. Bởi lẽ, những công nghệ này phù hợp với nền sản xuất của Việt Nam, giúp gia tăng giá trị cho nông sản.
"Các HTX, DN có thể thông qua CESTI kết nối với đội ngũ chuyên gia để đặt hàng nhằm giải các bài toán cụ thể về bảo quản và chế biến nông sản của từng đơn vị" - bà Bằng gợi ý.
Chế biến sâu giúp nâng cao giá trị nông sản Việt
Thị trường rộng mở
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm chế biến rau quả rất tốt, bù đắp cho sự sụt giảm của sản phẩm tươi.
"Để xuất khẩu sản phẩm tươi, phải qua kiểm tra, kiểm dịch thực vật và đã có nhiều lô hàng bị vướng, không xuất khẩu được. Trong khi đó, hàng chế biến không cần qua khâu kiểm tra này và có ưu điểm hạn sử dụng dài. Không chỉ tăng trưởng đột biến do dịch, trong điều kiện bình thường, dòng sản phẩm chế biến cũng có dư địa tăng trưởng nhanh" - ông Bình nhận xét.
Với riêng trái xoài, bà Trần Thị Thanh Nhàn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho biết giai đoạn 2019-2021, tốc độ tăng trưởng sản phẩm sấy khô lên đến 179,6%/năm nhờ xu hướng tiêu dùng dòng sản phẩm ăn vặt healthy (ăn uống lành mạnh) "lên ngôi". Quy mô thị trường xoài sấy thế giới năm 2025 dự báo đạt 25,55 tỉ USD và tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2019-2025 đạt 6,4%/năm.
"Việt Nam và Thái Lan là 2 nước mới nổi về cung cấp xoài sấy cho thị trường thế giới. Chúng ta đang có lợi thế về giá đối với dòng sản phẩm này nên tiềm năng còn rất lớn" - bà Nhàn lạc quan.
Tuy thị trường cho sản phẩm chế biến đang phát triển tốt nhưng ông Nguyễn Thanh Bình chỉ ra điểm nghẽn hiện nay là vốn đầu tư cho một nhà máy chế biến theo chuẩn quốc tế rất lớn, không nhiều DN có đủ tiềm lực. Ngoài ra, nguyên liệu trái cây Việt Nam tuy nhiều nhưng chưa tập trung, thiếu nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng.
"Các nhà máy quy mô nhỏ, công nghệ tầm trung sẽ phù hợp với vùng nguyên liệu hiện hữu, sản phẩm có thể bán nội địa song rất khó cạnh tranh quốc tế" - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận.
Tỉ suất lợi nhuận cao
Tổng giám đốc một DN thực phẩm khá lớn tại TP HCM cho biết DN đã phát triển sản phẩm chế biến từ trứng vào năm 2016 và đến nay, hơn 10 mã hàng với doanh thu từ mảng này đã chiếm gần 20% tổng doanh thu. "Tăng trưởng mảng trứng chế biến đạt 30%-40%/năm trong khi thị trường trứng tươi gần bão hòa, cạnh tranh khốc liệt" - vị này so sánh.
Cũng theo giám đốc này, trứng luộc thanh trùng được tiêu thụ mạnh ở các bếp ăn tập thể, trường học; trứng lỏng (lòng đỏ và lòng trắng trứng) được các nhà máy chế biến đặt mua nhiều. Ngoài ra, tại các cửa hàng tiện lợi và kênh thương mại điện tử, các sản phẩm trứng ăn liền cũng được bán khá chạy.
"Đây là thị trường ngách, ít cạnh tranh và có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn trứng tươi. Chúng tôi đang cố gắng nâng tỉ lệ sản phẩm chế biến lên 30%, tương đương với các nước lân cận, khi người tiêu dùng ngày càng bận rộn và ưa chuộng các sản phẩm ăn liền" - đại diện DN nêu trên thông tin.
Bình luận (0)