xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nâng tầm trái thanh long

NGỌC ÁNH

Đầu tư vào việc chế biến sâu, canh tác sạch theo yêu cầu của thị trường là cách gỡ khó đầu ra cho trái thanh long

Nhiều năm liền đem lại giá trị xuất khẩu cao nhất trong các loại trái cây của Việt Nam với khoảng 1 tỉ USD/năm song gần đây, thanh long liên tục gặp khó đầu ra. Thậm chí, loại trái cây "tỉ USD" này đang được bán dạng "đổ đống" trên nhiều tuyến đường tại TP HCM với giá chỉ 5.000 đồng/kg do bị ngưng xuất khẩu bằng đường bộ sang Trung Quốc trong 4 tuần.

Tín hiệu vui từ chế biến

Đầu ra gặp khó, nhiều ý tưởng chế biến sâu trái thanh long đã được không ít doanh nghiệp (DN) ứng dụng vào thực tế.

Mùa Tết năm 2020, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) lần đầu ra mắt sản phẩm bánh tráng thanh long. Từ chỗ chỉ bán trong nước, sản phẩm này dần dần được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… Sản lượng xuất khẩu bánh tráng thanh long hiện chiếm khoảng 10%-15% tổng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng của DN này, tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước.

"Thành phần thanh long chiếm 30% trong sản phẩm bánh tráng thanh long nên chúng tôi thu mua và chế biến khoảng 20-60 tấn trái/tháng tùy theo đơn hàng, góp phần tiêu thụ thanh long cho nông dân" - ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Duy Anh Foods, cho hay.

Nâng tầm trái thanh long - Ảnh 1.

Sản xuất mì ăn liền thanh long tại một doanh nghiệp Ảnh: THÙY DUNG

Sản phẩm mì ăn liền thanh long thương hiệu Caty với thành phần thanh long chiếm 12% cũng vừa ra mắt tại TP HCM ngay trước Tết âm lịch. Ông Lê Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Caty Food, cho biết đây là sản phẩm hoàn toàn mới, chưa có đơn vị nào đưa trái cây vào mì ăn liền trước đây. Bởi vậy, từ khi có ý tưởng đến lúc sản phẩm hoàn tất các thủ tục pháp lý để đưa ra thị trường mất đến 2 năm.

"Sản phẩm định vị ở phân khúc trung và cao cấp song do chúng tôi đang thiết lập kênh phân phối nên chưa có giá bán chính thức. Dù vậy, mì ăn liền là sản phẩm đại chúng nên giá sẽ không cao. Hy vọng sản phẩm được tiêu thụ tốt trong nước và mở rộng ra nước ngoài nhằm góp phần nâng cao giá trị cho trái thanh long Việt Nam" - ông Huy bày tỏ.

Theo ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, việc phát triển cây thanh long bền vững phải gắn liền với chế biến. Thời gian qua, thanh long đã được chế biến thành rượu vang, sấy khô, làm kẹo… nhưng sức tiêu thụ chưa như mong muốn.

"Dự án phát triển sản phẩm mì ăn liền thanh long của Công ty TNHH Caty Food được kỳ vọng thành công. Trái thanh long với tính mát sẽ giải quyết được hạn chế của mì ăn liền là tính nóng. Sản phẩm này cũng được một số khách hàng quốc tế quan tâm, yêu cầu gửi hàng mẫu sang nên có triển vọng xuất khẩu trong tương lai" - ông Hoàng nhìn nhận.

Đòi hỏi nguyên liệu sạch

TS Tiền Tiến Nam, Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm thực hành - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết trung tâm đang hợp tác với DN để nghiên cứu 2 sản phẩm mới là rượu thanh long và bột thanh long. Việc hợp tác với DN nhằm giải quyết vấn đề kinh phí nghiên cứu cũng như giúp sản phẩm được thương mại hóa tốt nhất.

"Tiềm năng chế biến các sản phẩm từ thanh long rất lớn nhưng vấn đề cốt lõi là nông dân phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định thì phải thực hiện thêm khâu xử lý, đẩy giá thành lên cao. Do vậy, nguyên liệu đưa vào chế biến không cần thiết mẫu mã đẹp nhưng nhất định phải an toàn" - TS Nam nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Duy Anh Foods Lê Duy Toàn, công ty chỉ thu mua và đưa vào chế biến các lô thanh long rõ nguồn gốc, đã qua kiểm nghiệm, đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Sản phẩm sau chế biến cũng phải kiểm soát chất lượng, nếu tồn dư chất độc hại thì không thể đưa ra thị trường.

"Dù thanh long có tiềm năng chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao cũng không có nghĩa tất cả thanh long trồng ra đều được thu mua" - Giám đốc Duy Anh Foods nhận xét.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng muốn phát triển bền vững một loại trái cây thì phải đa dạng hóa thị trường, luân chuyển liên tục giữa bán tươi và chế biến. Trong khi đó, trái thanh long chủ yếu được bán tươi và phụ thuộc thị trường Trung Quốc nên gặp rủi ro rất lớn.

"Thị trường Trung Quốc đang nâng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nhập khẩu. Muốn bán được hàng, người trồng bắt buộc phải canh tác sạch theo yêu cầu mới. Khi có được những vùng nguyên liệu tốt thì mới mở rộng được thị trường xuất khẩu và cung cấp được nguồn nguyên liệu đạt yêu cầu cho DN chế biến sử dụng" - ông Nguyên lưu ý.

Nguy cơ Trung Quốc xuất ngược sang Việt Nam

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, trái thanh long đang gặp áp lực cạnh tranh rất lớn từ những nguồn cung mới. Trung Quốc bắt đầu trồng thanh long từ năm 2018, diện tích hiện tương đương Việt Nam với khoảng 55.000 ha và tiếp tục mở rộng khoảng 10%/năm. Với đà này, sau 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tự cung cấp đủ thanh long cho thị trường nội địa và xuất khẩu, thậm chí xuất ngược sang Việt Nam.

"Chúng ta đã có bài học về chuyện này. Trước năm 2009, Việt Nam xuất khẩu thanh long sang Đài Loan - Trung Quốc với sản lượng lên đến 14.000 tấn/năm. Thế nhưng, khi Đài Loan trồng được thanh long sản lượng lớn, họ tạm ngưng nhập khẩu hàng Việt Nam với lý do thanh long Việt Nam có ruồi đục quả. Năm 2016, thanh long được xuất khẩu trở lại Đài Loan nhưng phải xử lý hơi nước nóng để diệt ruồi đục quả và sản lượng chỉ còn vài chục tấn mỗi năm" - ông Nguyên dẫn chứng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo