Phóng viên: Trên cương vị Tổng Giám đốc IMF, điều gì là quan trọng nhất với bà trong chuyến thăm Việt Nam lần này?
- Bà Christine Lagarde: Đến thăm Việt Nam lần đầu tiên trong cương vị tổng giám đốc IMF là vinh dự lớn đối với tôi. Trước đây, tôi đã có nhiều lần đến Việt Nam với những cương vị khác. Ấn tượng lớn nhất trong chuyến thăm lần này, theo tôi, đó là thấy được sự chuyển đổi mạnh mẽ diễn ra trong 20 năm qua. Tôi đã thấy nguồn năng lượng, sức sáng tạo, tính kiên cường và sự năng động của người dân.
Tôi may mắn có buổi nói chuyện rất ý nghĩa với sinh viên Hà Nội. Chúng tôi đã thảo luận sôi nổi về kinh tế và tương lai Việt Nam cũng như vai trò của thanh niên. Tôi được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thảo luận về thành tựu của kinh tế Việt Nam, tiềm năng phát triển mà tôi gọi là một cuộc cải cách thế hệ 2. Cuộc cải cách này có thể thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển và hỗ trợ ổn định, thịnh vượng.
Đặc biệt, tôi được gặp các nữ đại diện của giới doanh nhân, nhà văn, thiết kế, mỹ thuật, giải trí đến từ các thành phần xã hội và thế hệ khác nhau. Tôi cho là mình đã hiểu hơn về kinh tế và xã hội Việt Nam. Từ phía IMF, tôi khẳng định mong muốn của IMF trong việc tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam. Chúng tôi đã cung cấp nhiều hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và chúng tôi rất vui mừng tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp này.
Bà đánh giá thế nào về điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đã duy trì trong những năm vừa qua, đặc biệt là chính sách tiền tệ?
- Việt Nam đã đạt rất nhiều thành tựu, đặc biệt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát giảm đáng kể, tăng trưởng vững mạnh. Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tăng trưởng cao nhất trong khu vực từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Chúng tôi tin rằng chính sách tiền tệ đang hướng tới sử dụng lạm phát làm mục tiêu là đúng đắn. Chúng tôi cũng cho rằng cơ chế tỉ giá đã đủ linh hoạt. Tính linh hoạt này có thể sử dụng để hấp thụ những biến động bên ngoài, những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam khi mở cửa với thương mại quốc tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính quốc tế có nhiều rủi ro, thách thức như hiện nay, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu. Việt Nam nên xem xét các điều kiện đó như thế nào và cách chuyển những thách thức đó thành cơ hội tăng trưởng?
- Chúng tôi cho rằng những biến động thị trường, biến động tỉ giá, xu thế thắt chặt điều kiện tài chính trên thế giới có ảnh hưởng đến tất cả nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế mở như Việt Nam. Cách tốt nhất để phòng chống là phải có nền tảng kinh tế vững mạnh, đặc biệt là hệ thống tài chính ngân hàng. Cần thực hiện một số cải cách thế hệ 2, trong đó có cải cách ngân hàng, gồm: tái cấp vốn, làm sạch bảng cân đối tài sản, bảo đảm lỗ được ghi nhận khi cần. Cải cách ngân hàng cần đi đôi với cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. DNNN có thể hoạt động hiệu quả hơn và đại diện trên 50% hoạt động của nền kinh tế Việt Nam.
Bà có thể nói rõ hơn về công thức “nấu phở” khi đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế?
- Công thức “nấu phở” chỉ là phép so sánh. Tôi nói với các bạn sinh viên là nền kinh tế giống như một tô phở. Để có được một tô phở ngon, bạn cần nguyên liệu tốt và đủ thời gian. Trong đó, nguyên liệu tốt gồm cải cách tài khóa theo hướng hỗ trợ tăng trưởng cùng các cải cách cơ cấu cần thiết như cải cách DNNN, cách thức quản trị điều hành, tập trung vào hoạt động lõi của doanh nghiệp, tăng cường sức khỏe của hệ thống ngân hàng.
Bình luận (0)