Ngày 19-1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ (Ban Chỉ đạo), đã chủ trì phiên họp tổng kết công tác Ban Chỉ đạo năm 2015 và thông qua phương hướng năm 2016.
“Vượt trần” chính sách để thu hút nhân tài
Trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho thấy năm 2015, các bộ - ngành đã đơn giản hóa gần 4.500 thủ tục hành chính (đạt tỉ lệ gần 95%) ở các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội.. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo đánh giá vẫn còn tình trạng thiếu thống nhất trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN) của cán bộ, công chức, viên chức…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Văn Thu nhìn nhận công tác xây dựng VBQPPL còn nhiều vấn đề vì mỗi bộ, ngành đều có “mục tiêu riêng” gây nhiều cản trở. Do đó, phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong việc xây dựng hệ thống VBQPPL. Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, kiến nghị: “Năm 2016, các bộ, ngành phải chuyển động mạnh mẽ thì địa phương mới chuyển động được, không để kéo dài tình trạng chuyển động giảm dần trong CCHC”.
Nhìn nhận vai trò cán bộ là rất lớn trong CCHC, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đề nghị chính sách tuyển chọn, thu hút nhân tài cần điều chỉnh theo hướng hấp dẫn, thậm chí “vượt trần”. “Cần mạnh dạn bổ nhiệm cấp vụ trưởng từ 30-40 tuổi thay vì qua từng bước tới 50 tuổi mới bổ nhiệm như hiện nay sẽ rất khó để phát triển” - ông Trường bày tỏ.
Về tuyển chọn nhân tài, ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết Bộ Nội vụ được Chính phủ giao đề án tuyển chọn nhân tài, kể cả lực lượng công an, quân đội. Theo đó, nghị định tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ sẽ ban hành trong tháng 2-2016 và đề án tuyển chọn trưởng, phó phòng cấp sở cũng được xem xét thông qua trong quý I/2016.
Minh bạch thủ tục
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá từ những nỗ lực trong chỉ đạo thực hiện, trực tiếp tiến hành CCHC của các bộ, ngành, địa phương đã góp phần tạo sự chuyển biến, công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, ban hành thể chế, chính sách; ngăn chặn, đẩy lùi và phòng chống tham nhũng; phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động đối ngoại, quốc phòng, an ninh...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận: “CCHC vẫn còn tồn tại chính là khuyết điểm của chúng ta, là “tư lệnh” của từng lĩnh vực, bộ trưởng phải chỉ đạo thông suốt từ trung ương đến địa phương và đây là nhiệm vụ cần đột phá trong năm 2016”.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc triển khai Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chú ý nguyên tắc phân cấp, ủy quyền trung ương - địa phương, bãi bỏ những quy định bất hợp lý; khắc phục những tồn tại trong bộ máy, tổ chức nhà nước. “Cần nghiên cứu mô hình bộ quản lý đa ngành cho hiệu quả, chứ giờ một vấn đề như an toàn vệ sinh thực phẩm mà tới mấy bộ cùng quản lý, còn giao cho 1 bộ thì lúng túng là rất khó để CCHC một cách căn bản” - Phó Thủ tướng gợi ý.
Nhấn mạnh yếu tố con người có tính quyết định trong CCHC, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải gắn chặt trách nhiệm người đứng đầu, như nắm “người có tóc”. Muốn CCHC có hiệu quả thì cán bộ, công chức phải thực sự là công bộc của dân, phục vụ dân tốt hơn và được đo kiểm bằng bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân với các dịch vụ công. “CCHC phải theo hướng minh bạch thủ tục để hạn chế tiêu cực; tạo thuận lợi tối đa, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân, DN; đẩy mạnh chính sách thúc đẩy khởi nghiệp từ chính các bộ chuyên ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tinh giản biên chế hơn 9.500 người
Ban Chỉ đạo cho biết tính đến giữa tháng 1-2016, có 25 bộ, ngành và 79 địa phương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015, 2016 với tổng số là 9.595 người. Còn đến tháng 12-2015, các bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản 4.481/4.723 thủ tục hành chính, đạt 94,87%. 98,2% số đơn vị hành chính cấp xã, 98,7% số đơn vị hành chính cấp huyện và 92,5% số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. 48,1% số quận, huyện, thị xã, thành phố cấp tỉnh đã triển khai mô hình một cửa liên thông.
Một số bộ, ngành đã kết nối vào hệ thống dữ liệu một cửa quốc gia, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN theo hướng công khai.
Bình luận (0)