Không bàn đến các thủ tục pháp lý, căn cứ để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại các ngân hàng 0 đồng là bản thân các chủ sở hữu cũ đã không tìm được giải pháp bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng. Vốn đã bị ăn mòn vì thua lỗ, hay ít nhất là vốn đã bị “xà xẻo” không còn đủ mức pháp định.
Vậy sau khi mua 0 đồng rồi thì sao? Báo chí cho biết NHNN đã bơm hơn 45.000 tỉ đồng vào ba ngân hàng đã được mua lại. “Bơm vốn” là một thuật ngữ mập mờ. Trong thực thi chính sách tiền tệ, NHNN thường xuyên thực hiện bơm - hút tiền ra vào lưu thông thông qua giao dịch trên thị trường mở với các ngân hàng thương mại. Với vai trò người cho vay cuối cùng, NHNN cũng có thể cho vay tái cấp vốn với các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản.
Vậy 45.000 tỉ đồng ấy gồm những khoản nào? Có hay không việc NHNN bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng 0 đồng?
Nếu câu trả lời là “không”, NHNN đang vi phạm luật, giống như vi phạm mà các cổ đông cũ của ngân hàng đã không thể khắc phục. Các cổ đông bị loại bỏ sau này có thể quay lại kiện NHNN, như các cổ đông của AIG đã kiện ban quản trị và chính quyền Mỹ. Tức là họ không bổ sung vốn được nên bị tước quyền sở hữu, còn NHNN thì sao?
Nếu câu trả lời là “có”, người dân sẽ hỏi nguồn vốn này ở đâu ra? Nếu nó được tạo ra từ giao dịch trên thị trường mở (OMO, nơi NHNN thực hiện mua giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng) hay thậm chí khi cho các ngân hàng vay tái cấp vốn (là hành động NHNN cấp tín dụng cho các TCTD), đây là nguồn tiền ngoài ngân sách. Nhưng nếu là tiền cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng thì chắc chắn đó là tiền ngân sách.
Việc nhanh chóng giải quyết các khoản nợ xấu, cái huyệt yếu nhất của hệ thống ngân hàng mà không dùng đến ngân sách trong một khoảng thời gian, dù là 5, 7 hay 10 năm, theo ý kiến của nhiều người trong nghề chỉ là... ảo tưởng.
Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ, đã có thời kỳ, Bộ Tài chính đã phải “sáng tạo” ra trái phiếu đặc biệt để cấp bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại quốc doanh. Bộ Tài chính cũng từng từ chối đề nghị của NHNN dùng nguồn thu từ hoạt động của Sở Giao dịch NHNN để làm việc này. Đơn giản vì lợi nhuận của Sở cũng là tiền của ngân sách, đã được đưa vào dự thu dự chi rồi, không nhập nhằng như thế được.
Trước đây là vậy, có thể bây giờ tình hình đã khác đi chăng?
Chẳng phải cuối cùng khoản tiền 17.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009-2010 (theo báo chí, báo cáo của ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright) có phải là tiền ngân sách hay không, đến giờ vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo cho dư luận. Liệu tới bây giờ có ai còn để ý đến câu hỏi này nữa hay không?
Nhưng tại sao chúng ta lại né tránh sử dụng ngân sách để giải cứu các ngân hàng, để làm khó thêm cho nhiệm vụ vốn đã quá khó khăn của NHNN? Ông Vương Đình Huệ, khi còn làm Bộ trưởng Tài chính đã hơn một lần phát biểu đại ý rằng tái cơ cấu ngành ngân hàng kiểu gì rồi (Nhà nước) cùng phải bỏ tiền ra. Gần đây cựu Thống đốc Lê Đức Thúy có chung quan điểm này.
Việc không công khai có phải là vì e sợ người dân phản ứng? Hay vì muốn khẳng định với dân là Nhà nước không dùng tiền đóng thuế để dung túng cho những việc làm sai trái trước đó của cổ đông cũ với các ngân hàng?
Chưa kể đến những khoản tiền, nợ đã thực sự bốc hơi mà cứ phát hiện sau lại lớn hơn phát hiện trước, việc nhanh chóng giải quyết các khoản nợ xấu, cái huyệt yếu nhất của hệ thống ngân hàng mà không dùng đến ngân sách trong một khoảng thời gian, dù là 5, 7 hay 10 năm, theo ý kiến của nhiều người trong nghề chỉ là... ảo tưởng.
Vậy hãy thẳng thắn nhìn vào sự thật. Nhiều người không ủng hộ sử dụng ngân sách cứu ngân hàng 0 đồng, nhưng họ còn dị ứng hơn nữa với các giải pháp kiểu nước đôi hay che giấu. Ngân sách còn nhiều khó khăn, điều đó đã quá rõ, nhưng nếu quyết tâm, còn có nhiều cách để tiết kiệm ngân sách. Thu hẹp vai trò của Nhà nước ở nhiều lĩnh vực là một thí dụ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án cơ cở hạ tầng tốn kém là thí dụ khác mà chúng ta đã thực hiện rất tốt bằng những giải pháp quyết liệt ở ngành giao thông.
Bình luận (0)