Đây là ý kiến của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng (NH), tại toạ đàm "NH số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù", do BizLIVE tổ chức ngày 14-6, ở Hà Nội.
Theo các chuyên gia, cơ hội đối với NH số rất lớn khi giúp NH thương mại tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí; tiếp cận thị trường khách hàng số đầy tiềm năng tại Việt Nam; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác (nhất là với các fintech…); tạo khả năng phát triển đột phá so với đối thủ.
Nhưng thách thức cũng được TS Cấn Văn Lực chỉ ra là khung pháp lý khi gia tăng cạnh tranh từ tổ chức phi tài chính (fintech, bigtech); thách thức đối với khả năng bảo mật của hệ thống; nguồn nhân lực; đòi hỏi thay đổi và đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin.
Với thực trạng NH số tại Việt Nam, các fintech, bigtech năng động và từng bước cạnh tranh với NH. Cụ thể, trong xu thế kinh tế số, các trung gian thanh toán không phải là NH thương mại đã và đang phát triển khá nhanh, gồm các công ty fintech và các nhà mạng viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin (Telcos, Bigtech), chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán và cho vay ngang hàng.
Thanh toán bằng ví điện tử khi mua hàng hoá dịch vụ tại TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Như ví điện tử là sản phẩm thông dụng nhất và có hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện. Các fintech cung ứng ví điện tử lâu năm như MoMo, Payoo gần như đã có chỗ đứng trên thị trường, trong khi đó fintech mới như ZaloPay, hay AirPay đang xuất hiện và thu hút khách hàng nhanh chóng. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng gần 70 công ty Fintech, với 29 trung gian thanh toán đã được NHNN cấp phép cung ứng ví điện tử.
"Nghị Quyết 01, 02 năm 2019 của Chính Phủ đã đưa định hướng về phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán NH, đây sẽ là điều kiện giúp ví điện tử ngày càng phát triển trong thời gian tới" – TS Cấn Văn Lực nói.
Cùng lúc, các bigtech tại Việt Nam đang hình thành và đặt ra thách thức rất lớn cho các NH. Hiện những công ty công nghệ lớn tại Việt Nam như FPT, Viettel, CMC, VNG… bắt đầu tiếp cận mảng dịch vụ tài chính thông qua phát triển công nghệ thanh toán điện tử và một số dịch vụ khác.
Dưới góc độ NH thương mại, các NH đang chạy đua số hoá hoạt động và đưa ra những sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc mảng Phát triển thẻ doanh nghiệp và phát triển đại lý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa VPBank, cho rằng việc phát triển NH số phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của NH và chiến lược này rất quan trọng. Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập nhưng lượng doanh nghiệp giải thể cũng rất cao, trong đó có khó khăn về vốn.
Theo thống kê của VPBank, có tới 33% khoản vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị từ chối vì không thỏa mãn yêu cầu tài sản bảo đảm; thời gian thu hồi công nợ khá lâu; 92% doanh nghiệp xử lý đơn hàng theo phương thức thủ công. Thực tế này đặt ra yêu cầu NH phải đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp thanh toán nhanh chóng và thuận tiện hơn.
TS Cấn Văn Lực cho biết tham khảo nghiên cứu của các định chế tài chính lớn trên thế giới, khi áp dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể tiết giảm được 30%-80% chi phí. Việc đầu tư công nghệ thông tin đối với các doanh nghiệp trong đó có NH sẽ khiến chi phí tăng thêm khoảng 25%-28% trong khi doanh thu tăng 35%-48%.
Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng đầu tư đúng mức cho quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi một số doanh nghiệp hiểu nhưng không đủ nguồn lực để làm.
Ông Phạm Đình Vũ, Chánh Văn phòng Công tác Hiệp hội Doanh nghiệp VCCI, cho rằng khi NH thương mại cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp cung cần chuyển tải thông điệp tới khách hàng, khi sử dụng thì đo lường được lợi ích, giúp khách hàng thay đổi tư duy. Hiện tại, theo đánh giá của VCCI, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa quan tâm nhiều đến chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây là một con đường phải đi.
Bình luận (0)