Theo NHNN chi nhánh TP HCM, tính đến tháng 9-2013, tỉ lệ nợ xấu của các NH trên địa bàn là 5,99% và đã trích lập dự phòng rủi ro 2.298 tỉ đồng. Mặt khác, hàng loạt NH hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) thông qua tái cơ cấu thời gian trả nợ mà không phải chuyển sang nhóm nợ là 106.510 tỉ đồng, giúp cho hơn 6.000 khách hàng giảm áp lực trả nợ.
Tài sản đảm bảo bị thu giữ do nợ xấu. Nguồn: Báo Hải Quan
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết có đến 90% nợ nhóm là các khoản cho vay bất động sản, tiêu dùng và cho vay DN vừa và nhỏ. Còn việc kéo dài thời gian trả nợ đã giúp DN giảm chi phí về lãi suất, đồng thời NH giảm được một phấn tỉ lệ nợ xấu.
Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM quan tâm đến tiến độ NH bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ông Minh cho biết hiện các NH thương mại đã lập danh những khoản nợ xấu để bán cho VAMC. Riêng NH Sài Gòn (SCB) đã bán cho VAMC 1.739 tỉ đồng nợ xấu. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2013, VAMC sẽ tiến hành mua khoảng 35.000 tỉ đồng nợ xấu của các NH thương mại.
Theo lãnh đạo nhiều NH, việc NH tự thân xử lý nợ xấu đang diễn ra căng thẳng. Ông Phạm Chí Hiếu, Tổng giám đốc NH An Bình cho biết đã nộp hàng trăm hồ sơ lên toàn án để siết nợ tài sản khách hàng. Tuy nhiên đại diện NH Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng dù tòa án đã có phán quyết nhưng việc thi hành án cũng không đơn giản. Con nợ thường viện dẫn nhiều lí do để kéo dài thời gian giao tài sản. Thậm chí, khi đã thu hồi tài sản là nhà, đất NH cũng không bán được vì thị trường không có người mua.
“Việc NH bán tài sản nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào động thái hỗ trợ của của cơ quan chức năng tại các địa phương. Có trường hợp phải kéo dài 10 năm NH mới giải quyết xong tài siết nợ nhưng cũng có trường hợp chỉ vài tháng là hoàn tất”- ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc NH Á Châu nói.
Bình luận (0)