Vào tối 25-8, Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ bán USD cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm trên 5% vốn tự có để giải quyết tình trạng cầu lớn hơn cung. Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với tổng giám đốc các ngân thương mại để đánh giá diễn biến của thị trường ngoai tệ sau 5 ngày áp dụng cơ chế tỉ giá mới, đồng thời yêu cầu các đơn vị bán USD cho khách hàng.
Theo các ngân hàng thương mại, do sức mua quá lớn, nguồn cung USD bị hạn chế nên tỉ giá trong hai ngày gần đây tăng hết biên độ cho phép 3%. Giá USD mua vào được đẩy lên 22.540 đồng /USD, chỉ thấp hơn giá bán ra 7 đồng/USD để kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu bán ngoại tệ.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá bán USD là 22.475 đồng/USD, thấp hơn giá mua vào của các ngân hàng thương mại 65 đồng/USD. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng mua được USD từ Ngân hàng Nhà nước. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chần chừ chưa muốn bán USD.
Diễn biến thị trường tiền tệ, hàng hóa quốc tế những ngày qua vẫn biến động khó lường. Bản tệ của hàng loạt quốc gia tiếp tục giảm giá so với USD, đặc biệt là nhân dân tệ (Trung Quốc) tiếp tục bị phá giá… đồng nghĩa USD lại tăng giá. Giá dầu thô cũng xuống dưới 40 USD/thùng làm cho giá hàng hóa trên thị trường thế giới đứng trước xu hướng sụt giảm, trong đó có vàng.
Mặt khác, thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ sàn, nhà đầu tư bán cổ phiếu nắm giữ USD càng làm cho ngoại tệ này tăng thêm giá trị. Điều này phần nào lí giải vì sao tại Việt Nam, người đang nắm giữ ngoại tệ phải phòng thủ, chưa có động thái chuyển đổi USD sang VNĐ, khiến cung cầu ngoại tệ không gặp nhau được biểu hiện khá rỏ khi tỉ giá VNĐ/USD luôn neo ở mức trần.
Lúc 8 giờ 30 phút sáng nay 26-8, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại vẫn trụ ở mức trần 22.547 đồng. Trên thị trường tự do, USD giao dịch xoay quanh 22.850 đồng- 22.900 đồng USD.
Bình luận (0)