Hôm nay 10-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng có Báo cáo các giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng.
Về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động tín dụng ngân hàng, Thống đốc NHNN cho biết tín dụng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước: Đến ngày 31-3-2020, dư nợ tín dụng đạt 8.301.988 tỉ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 3,19%), nhịp độ tăng từng tháng có xu hướng cải thiện (tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07% và tháng 3 tăng 1,1%). Mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi (giảm 2%-2,5%) có qui mô lớn nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng có xu hướng giảm dẫn tới việc rút vốn của khách hàng còn hạn chế.
Theo đánh giá sơ bộ, đến nay dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Theo ước tính của NHNN, với 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3,0% đến cuối năm 2020; trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của các TCTD yếu kém.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thanh khoản của các TCTD để có phương án điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp. Trường hợp TCTD khó khăn về thanh khoản hoặc có nhu cầu để cho vay các lĩnh vực ưu tiên, NHNN sẽ xem xét tái cấp vốn cho TCTD.
NHNN sẽ chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án giảm lãi suất vay hộ nghèo và một số đối tượng chính sách. Dự kiến mức giảm từ 10% đến 15% đối với một số chương trình cho vay (trong đó giảm mức cao nhất 15% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo), thời gian giảm lãi vay dự kiến từ 1-4-2020 đến 31-12-2020, với tổng số lãi giảm khoảng trên 1.500 tỉ đồng.
Ưu tiên bố trí khoảng 28.000 tỉ đồng (từ một số chương trình trước mắt chưa cấp thiết, vốn thu hồi nợ cho vay quay, nguồn vốn huy động…) để tập trung sẵn sàng giải ngân để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch.
Khẩn trương phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện Quyết định về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money), dự kiến trình Thủ tướng đầu tháng 4-2020.
Đã miễn giảm lãi khoảng 300 tỉ đồng
Đến nay, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỉ đồng, đã thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỉ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỉ đồng.
Đồng thời, các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5%-3%/năm. Hiện nay các TCTD đã cho vay mới đối với 354.286 khách hàng, doanh số cho vay đạt 165.208 tỉ đồng.
Sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua Napas được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng với tổng số tiền 560 tỉ đồng.
Cụ thể dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng của các ngành
Đến nay, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 157.000 tỉ đồng, chiếm 1,9% dư nợ nền kinh tế; khai khoáng 45.000 tỉ đồng, chiếm 0,5%; công nghiệp chế biến-chế tạo khoảng 520.000 tỉ đồng, chiếm 6,3% (trong đó, dư nợ bị ảnh hưởng của ngành chế biến thực phẩm, đồ uống khoảng 193.000 tỉ đồng, dệt may khoảng 137.000 tỉ đồng, xi-măng khoảng 104.000 tỉ đồng, chế biến gỗ khoảng 86.000 tỉ đồng).
Các dự án BOT, BT giao thông dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 110.000 tỉ đồng, chiếm 1,35% tổng dư nợ; kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng khoảng 548.000 tỉ đồng, chiếm 6,6%; vận tải khoảng 139.000 tỉ đồng, chiếm 1,68%; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch khoảng 169.000 tỉ đồng, chiếm 2%; kinh doanh bất động sản khoảng 145.000 tỉ đồng, chiếm 1,75%; giáo dục và đào tạo khoảng 30.000 tỉ đồng, chiếm 0,36%; hoạt động dịch vụ khác (sửa chữa các thiết bị, đồ dùng gia dụng, dịch vụ phục vụ tăng cường sức khỏe, giặt là, cắt tóc, hiếu hỉ...) khoảng 260.000 tỉ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ.
Bình luận (0)