Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong các tháng đầu năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại khoảng 6,3%/năm (giảm 0,18 điểm % so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân bằng VNĐ phát sinh mới của các ngân hàng thương mại khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65 điểm % so với cuối năm 2022.
Nhiều ngân hàng thay biểu lãi suất mức cao nhất chỉ còn khoảng 8%/năm, thay vì mức trên 9%, thậm chí 10%/năm như vài tháng trước
Dù vậy, các doanh nghiệp phản ánh mức lãi suất cho vay ở nhiều lĩnh vực vẫn còn cao, phần lớn vẫn đang trên 10%/năm trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Công ty chứng khoán SSI thống kê thực tế mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước COVID-19, dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho doanh nghiệp sản xuất thông thường. Trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì tương đối cao, khoảng 13,5%-14%/năm.
Vì sao lãi suất cho vay vẫn cao? Ngân hàng Nhà nước giải thích hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, tỉ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,3% trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Sau dịch, kinh tế phục hồi trở lại nên nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh gia tăng, hệ thống ngân hàng sử dụng tối đa nguồn huy động cho phép để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
"Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VNĐ của hệ thống là trung dài hạn) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động. Áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỉ giá" – đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Thời gian tới, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong biểu lãi suất mới nhất của nhiều ngân hàng như Sacombank, MSB, Nam A Bank, NCB, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, VPBank, OCB… lãi suất huy động giảm khá nhiều ở các kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất ở khối ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng lớn xoay quanh khoảng 7,2-7,5%/năm; trong khi lãi suất cao nhất ở nhiều ngân hàng quy mô nhỏ hơn quanh 8-8,5%/năm.
Bình luận (0)