Đó là ý kiến của ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý Bảo hiểm (Bộ Tài chính) tại cuộc họp báo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện chiến lược phát triển bảo hiểm diễn ra ngày 29-3.
Ông Khánh cho biết trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường khoảng 20.000 tỉ đồng đối với các rủi ro của nền kinh tế. Một trong những chức năng của ngành bảo hiểm là thực hiện các chính sách vĩ mô, hiện có 80% công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn được bảo hiểm. "Nếu cầu An Thái ở Hải Dương, cầu Ghềnh ở Đồng Nai tham gia bảo hiểm thì không có chuyện ngân sách nhà nước phải chi hàng trăm tỉ đồng sửa chữa khi bị sập" - ông Khánh nói.
Theo Cục Quản lý bảo hiểm, trước đây không có quy định tham gia bảo hiểm bắt buộc đối với các công trình xây dựng như cầu Ghềnh mà chỉ là bảo hiểm tự nguyện. Theo Luật xây dựng năm 2014 và Nghị định 119/2015/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động dầu tư xây dựng quy định, tất cả các công trình từ cấp 3 trở lên có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, an toàn môi trường hoặc có đặc thù phức tạp bắt buộc phải tham gia bảo hiểm. Khi đó, ngân sách nhà nước sẽ không phải chi tiền khắc phục những rủi ro tương tự như vụ sập cầu Ghềnh.
Hiện nay, phí bảo hiểm công trình xây dựng chiếm xấp xỉ 20% doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm năm 2015 trong khi chi bồi thường rủi ro, trích lập dự phòng chiếm 50-60%.
Bình luận (0)