Từ đầu năm đến nay, người nuôi heo ở Đồng Nai, Bình Thuận lỗ nặng vì giá heo hơi bán tại chuồng thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 23.000 - 25.000đ/kg, giảm hơn 50% so với trước.
Tại huyện Đức Linh (Bình Thuận), đã có một số người phải cầm cả sổ đỏ để mua thức ăn cho heo nhưng giá heo quá thấp nên giờ sổ đỏ cũng không thể lấy lại. Heo thịt rớt giá nên heo giống cũng thê thảm không kém.
Ảnh minh họa
Khó trăm bề
Chỉ vào chuồng nuôi heo nái với hơn chục con đang đẻ, bà Trần Thị Lắm ở Đức Linh nói như mếu: "Năm ngoái, mỗi con heo con bán được 1,2 - 1,5 triệu đồng nhưng nay chỉ còn 200.000 đồng, chưa bằng nửa tiền thức ăn cho heo mẹ. Đã hơn một tuần kêu bán mà chưa có lái nào đến xem. Không biết số heo con sắp tới phải làm sao".
Không chỉ người nuôi nhỏ lẻ gặp khó mà các doanh nghiệp lớn cũng không thoát khỏi "cơn bão hạ giá heo". Quý I vừa qua, lợi nhuận của Tập đoàn Dabaco (DBC) Việt Nam chỉ đạt 13 tỉ đồng, giảm 78% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động cốt lõi của Dabaco gồm sản xuất giống gia súc, gia cầm, chăn nuôi và chế biến thực phẩm lỗ đến 54 tỉ đồng.
Tại đại hội cổ đông hồi cuối tháng 4, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Dabaco Việt Nam, cho rằng giá thịt heo lao dốc khiến 2 lĩnh vực chính của công ty là sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi heo bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2017 sẽ là năm khó khăn nhất trong 21 năm hoạt động của Công ty.
Cũng tại cuộc họp tìm giải pháp cứu ngành chăn nuôi hồi cuối tháng 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng có 2 nguyên nhân khiến thịt heo giảm giá sâu, đó là nguồn cung lớn hơn cầu và khâu tổ chức ngành hàng từ sản xuất, chế biến đến tìm kiếm thị trường còn yếu kém dẫn đến dư thừa và bế tắc đầu ra. Trước thực trạng này, các cơ quan, ban ngành phải kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ với nông dân bằng cách hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, mua thịt hỗ trợ với giá cao hơn, cấp đông dự trữ.
Không thê thảm như thịt heo nhưng so với năm trước, giá trứng gà cũng đã giảm từ 1.500 - 2.000 đồng/vỉ. Điều đáng nói là giá thịt gia cầm và gia cầm có những biến động liên tục, tương tự, khi giá thịt heo sụt giảm và được "giải cứu" thì nhóm hàng này cũng bị ảnh hưởng theo, như giá vịt chỉ còn 20.000 đồng/kg, bằng nửa năm ngoái.
Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết sở dĩ có tình trạng trên là cung vượt cầu. Năm 2016, do giá thịt gia súc và gia cầm cao nên người dân đổ xô vào nuôi mà không được cơ quan nào định hướng hay làm công tác dự báo nên mới xảy ra tình trạng trên.
Tự cứu trước khi chờ cứu
Theo chia sẻ của ông Trương Chí Thiện, nhờ làm tốt công tác dự báo, đưa ra khuyến cáo với các trại vệ tinh nên Vĩnh Thành Đạt ổn định được nguồn cung, không xảy ra tình trạng thừa hàng. Tuy vậy, để đẩy hàng nhanh, Vĩnh Thành Đạt đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu mua sắm. Không chỉ vậy, công ty còn phối hợp với các công ty cung cấp giống và thức ăn chăn nuôi, nắm được tổng đàn hiện tại nên nhanh chóng đưa ra những khuyến nghị tăng giảm đàn phù hợp cho các trại vệ tinh.
Trong khi đó, từ đầu tháng 5 đến nay, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã cấp đông từ 300 - 500 con heo mỗi ngày. Với những mặt hàng trước đây dùng thịt heo hay phụ phẩm nhập khẩu, nay Công ty chuyển sang sử dụng nguyên liệu trong nước.
Bên cạnh đó, Vissan thực hiện các chương trình giảm giá sâu (đến 49%) để kích cầu, lập thêm các điểm bán thịt heo mảnh, dùng thực phẩm tươi sống để hỗ trợ người nghèo thay cho các sản phẩm chế biến.
Đã có nhiều biện pháp đưa ra nhưng các doanh nghiệp cho rằng người chăn nuôi phải tự cứu trước khi chờ giải cứu. Theo bà Đặng Thị Phương Ninh - Phó tổng giám đốc Vissan, do thị trường Trung Quốc đã ảnh hưởng trong thời gian dài nên nông dân cứ nuôi theo tiêu chuẩn xuất qua Trung Quốc và vẫn bán được nên không quan tâm đến các tiêu chuẩn khác.
"Đây là thời điểm người chăn nuôi phải nhìn lại vấn đề, chẳng hạn phải đáp ứng tiêu chuẩn VietGap và phải làm lại trang trại, điều chỉnh lại kỹ thuật", bà Phương Ninh nói.
Nói như vậy không có nghĩa là đẩy tình trạng rớt giá cho người chăn nuôi, đặc biệt là nông dân. Bởi trước hết, phải có sự định hướng, cảnh báo của các cơ quan chức năng. Điều này, theo ông Trương Chí Thiện, các cơ quan chức năng chỉ cần phối hợp tốt với các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi, con giống là sẽ nắm được thực tế của ngành.
Các dự báo chỉ cần đúng thực tế 70% - 80% là Việt Nam sẽ không xảy ra tình trạng phải "giải cứu" chuối rồi đến thịt heo. Theo bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty CP Ba Huân, nếu Việt Nam có rào cản thú y chặt chẽ để hạn chế nhập khẩu, nhất là cấm nhập các loại phụ phẩm heo, bò thì doanh nghiệp trong nước không "te tua" như hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Đặng Thị Phương Ninh cho rằng, lâu nay ngành chăn nuôi của Việt Nam rất manh mún, nhỏ lẻ, không đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. "Hiện nay, các quy chuẩn kỹ thuật của ngành chăn nuôi phụ thuộc vào sự tự giác của người nuôi. Mong rằng Nhà nước có những bộ tiêu chuẩn rõ ràng dành cho ngành nông nghiệp, và trên hết là 100% sản phẩm phải đạt truy xuất nguồn gốc", bà Đặng Thị Phương Ninh đề xuất.
Bình luận (0)