Buổi thuyết trình dự thảo báo cáo cuối cùng của Ngân hàng Thế giới (WB) về xây dựng kế hoạch cải thiện tình hình tài chính cho EVN và các đơn vị thành viên diễn ra vào đúng thời điểm các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ngân hàng Nhà nước đang thẩm định đề xuất của EVN tăng giá điện 9,5%.
Nội dung chính của báo cáo là từ nay đến nửa cuối năm 2016 phải lập tức tăng giá điện, phải tăng kịch trần (10%) theo khung được quy định trong Quyết định 2165 của Thủ tướng Chính phủ, thì mới cải thiện được tình hình tài chính của EVN. Đó là một hậu thuẫn không nhỏ cho đề xuất của EVN.
Nghịch lý của ngành điện lực
Cùng lúc đó, EVN công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014. Nếu nhìn vào những con số về tình hình tài chính không mấy lạc quan của EVN, chúng ta dễ dàng nhận thấy khuyến nghị của WB là rất thuyết phục và đề xuất tăng giá điện của EVN đúng là vấn đề cấp bách. Thế nhưng, trong tháng 1-2015 các doanh nghiệp sản xuất điện khác ở Việt Nam đồng thời cũng công bố kết quả kinh doanh của họ và nó hoàn toàn trái ngược với lời cảnh báo bi quan trong báo cáo của WB rằng nếu không tăng giá điện thì ngành điện không đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.
Theo thông tin được công bố trên báo chí, trong năm 2014 EVN chỉ lãi 300 tỉ đồng, ít hơn rất nhiều so với mức lãi gần 5.000 tỉ của năm 2013. Đồng thời, khoản lỗ chưa hạch toán vào giá thành và còn “treo” lại tăng từ 8.800 tỉ trong năm 2013 lên gần 16.000 tỉ vào thời điểm cuối năm 2014. Khoản lỗ còn treo này bao gồm: 2.271 tỉ đồng chi phí tăng thêm do giá than tăng; 1.414 tỉ đồng do tăng giá khí trên bao tiêu (mua nhiều hơn mức cam kết mua); 1.504 tỉ đồng do tăng thuế tài nguyên từ 2% lên 4%; 1.019 tỉ chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn và các khoản tăng do phí môi trường, do chênh lệch tỷ giá...
Có thể nói 2014 là năm “đại thắng” với các doanh nghiệp ngành điện lực, trừ EVN.
Có thể thấy, việc tăng giá than, khí thiên nhiên, thuế tài nguyên... không chỉ ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh của các nhà máy điện trực thuộc EVN, mà tác động đến tất cả các doanh nghiệp sản xuất điện khác. Hiện điện do EVN sản xuất chiếm khoảng 40% tổng sản lượng điện quốc gia và phần còn lại đến từ các nhà sản xuất trong nước khác.
Hơn nữa, sản lượng điện sản xuất của các doanh nghiệp ngoài EVN chủ yếu đến từ nhiệt điện chạy bằng than và khí, nên dễ thấy là khối này sẽ chịu tác động nặng nề hơn. Nhưng kết quả kinh doanh của họ và EVN lại hoàn toàn trái ngược. Có thể nói 2014 là năm “đại thắng” với các doanh nghiệp ngành điện lực, trừ EVN.
Trước hết, hãy nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhiệt điện than, là những người chịu ảnh hưởng mạnh bởi giá than tăng. Doanh thu của Tổng công ty Điện lực Vinacomin (tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) năm 2014 là 11.371 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 432 tỉ và tăng 188% so với kế hoạch. Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại 11 tháng đầu năm 2014 lãi trước thuế 1.012 tỉ đồng, vượt 154% kế hoạch, trong đó chỉ có 360 tỉ đồng là lãi do chênh lệch tỷ giá nhờ đồng yen Nhật xuống giá.
Còn các doanh nghiệp nhiệt điện chạy bằng khí: Tổng công ty Điện lực Dầu khí năm 2014 lãi 1.662 tỉ đồng trên tổng doanh thu 25.996 tỉ đồng, tăng 167% so với kế hoạch. Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 lãi tới 933 tỉ đồng trong khi kế hoạch lợi nhuận ban đầu đề ra chỉ có 8 tỉ đồng. Trong đó phần lãi do chênh lệch tỷ giá hơn 400 tỉ (nhờ đồng euro mất giá). Nhiệt điện Bà Rịa cũng có một năm thành công tương tự.
Các công ty thủy điện còn thắng đậm hơn với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu từ trên 25% đến trên 50%. Cá biệt, Công ty Đầu tư điện Tây Nguyên có doanh thu 29,9 tỉ đồng nhưng lãi tới 28,7 tỉ đồng. Hoặc một doanh nghiệp nhỏ bé như Công ty cổ phẩn Thủy điện miền Trung, chỉ với doanh thu 641 tỉ đồng nhưng đã có lợi nhuận bằng hơn hai phần ba của một tập đoàn có doanh thu đến 196.000 tỉ đồng. Đây rõ ràng là một nghịch lý.
Vì sao EVN lỗ?
Nghịch lý này có thể xuất phát từ những nguyên nhân như: EVN kinh doanh quá kém cỏi do quản lý điều hành yếu, bộ máy nhân sự quá lớn và do khoản vay bằng đô la Mỹ chiếm tỷ lệ quá lớn; EVN chấp nhận mua điện của các doanh nghiệp bên ngoài với giá cao rồi bán lại cho người mua với giá thấp; gánh nặng công ích quá lớn, như cung cấp điện cho nông thôn, cho vùng sâu vùng xa và các đảo... là những mảng thị trường có chi phí lớn hơn doanh thu. Cuối cùng là do các dự án đầu tư lớn quá nhiều và vì đang trong quá trình xây dựng hoặc mới vận hành nên các dự án này còn đang trong chu kỳ lỗ.
Trong bốn nguyên nhân trên, gánh nặng công ích là khá rõ ràng. Mạng lưới điện nông thôn với đặc điểm là chi phí lớn nhưng mức tiêu thụ điện rất thấp hiện là khu vực mà chẳng doanh nghiệp tư nhân nào muốn nhảy vào. Đây là điều Nhà nước phải xử lý cho EVN.
Lợi nhuận kém vì nhiều công trình mới đầu tư cũng tương đối dễ dự đoán. Trong ba năm từ 2012-2014, EVN đã đầu tư gần 359.000 tỉ đồng cho các dự án nguồn, lưới điện... bằng 1,83 lần so với tổng doanh thu của tập đoàn trong năm 2014. Chắc chắn các dự án đầu tư này khó có thể mang lại lợi nhuận ngay. Nếu thuận lợi cũng phải mất một vài năm sau khi đưa vào vận hành mới có thể có lãi. Đó là điều rất bình thường.
Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào kết quả kinh doanh của EVN trong năm 2013 hoặc 2014 mà không xem xét đến các yếu tố như gánh nặng công ích, chu kỳ sinh lợi của các công trình mới đầu tư, hiệu quả quản lý kinh doanh của chính EVN... mà đã vội quyết định cho tăng giá điện thì sẽ không công bằng cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng điện.
Bình luận (0)