Theo Tổng cục Thủy sản, từ năm 2017-2020, nhu cầu thủy sản trên thế giới vẫn tăng trên 15%, những hiệp định thương mại với các thị trường chính như châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc tạo thuận lợi cho ngành này tăng trưởng.
Không lo rủi ro về thanh toán
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu tôm năm 2017 có thể đạt 3,3 tỉ USD, tăng 6%; cá tra đạt 1,6 tỉ USD, tương đương năm 2016 do thiếu nguyên liệu; cá ngừ 524 triệu USD, tăng 8%. Tuy vậy, ngành thủy sản năm 2017 sẽ đối mặt thách thức mới là xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước.
Ông Ông Hàng Văn, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp), cho biết hiện nay, xuất khẩu cá tra không lo rủi ro về thanh toán do đang hụt hàng. Cụ thể, với thị trường Trung Quốc, các nhà nhập khẩu phải thanh toán ngay, thậm chí muốn trả tiền trước để có hàng nhưng chưa chắc mua được. Còn thị trường Mỹ, theo thông lệ sẽ thanh toán sau 45-60 ngày nhưng hiện chỉ sau 3 ngày là phải trả đủ. Nguyên nhân là nguồn cá tra nguyên liệu bị thiếu hụt 30%-40% từ cuối năm 2016 và đến hết tháng 6-2017 có thể lên đến 50%. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong 20 năm con cá tra “xuất ngoại”.
Dự báo, thị trường Trung Quốc có thể sẽ soán ngôi đầu của Mỹ trong việc nhập khẩu cá tra. Theo ông Ông Hàng Văn, trong cơ cấu tiêu thụ cá tra tại Trung Quốc, 70%-80% là đi vào hệ thống nhà hàng, còn lại là người tiêu dùng mua về chế biến trong gia đình. Qua chế biến trong nhà hàng, các đầu bếp có thể làm ra hàng trăm món ăn cao cấp, có giá trị gia tăng cao với giá bán lên đến 30-40 USD/kg, trong khi giá nhập khẩu chỉ khoảng 2,5 USD/kg (kể cả chi phí vận chuyển). Ngoài ra, Trung Quốc đang xem xét bỏ thuế GTGT (13%) nên nhà nhập khẩu có thể tăng giá mua từ Việt Nam.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thủy sản Hùng Vương, nhận xét lợi thế của cá tra tại thị trường Trung Quốc là rất lớn khi 2 mặt hàng cạnh tranh là cá rô phi và cá chép đang có giá cao hơn 30%-40%.
Với thị trường Mỹ, nước nhập khẩu cá tra số 1 của Việt Nam năm 2016, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho rằng quan điểm của Việt Nam là quy định thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ là quá mức cần thiết, không có cơ sở khoa học. Bởi lẽ, cá tra là động vật dưới nước, máu lạnh nên không có nguy cơ về dịch bệnh lây sang người như nhóm gia súc, gia cầm trên cạn. Trước giờ, tỉ lệ vi phạm của các lô cá tra nhập khẩu Mỹ rất thấp, chưa ghi nhận ngộ độc do tiêu dùng cá tra. Vì vậy, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp ngoại giao để chính quyền Mỹ bãi bỏ quy định vô lý.
Cần kiểm soát chất lượng từ gốc
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - doanh nghiệp chuyên về tôm, cho biết đã kín đơn hàng đến hết quý I/2017. Công ty đang hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả, đi vào các sản phẩm chế biến sâu, vận động người dân nuôi tôm sạch. Dự báo từ VASEP cho thấy giá tôm năm 2016 tăng đã khích lệ nông dân và doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm trong năm 2017 nên sản lượng sẽ tăng nhẹ.
Theo ông Dương Ngọc Minh, với cơ sở hạ tầng của các nhà máy chế biến tôm và đội ngũ lao động tay nghề cao như hiện nay, Việt Nam thừa sức chế biến xuất khẩu trên 5 tỉ USD/năm (mục tiêu năm 2017 là 3,3 tỉ USD). Tuy nhiên, vấn đề của ngành tôm Việt Nam là thiếu nguyên liệu, giá thành nguyên liệu cao hơn các đối thủ cạnh tranh đến 10%-15% và lãi suất vay vốn cao.
Ông Minh so sánh giá cám công ty mua trực tiếp từ nhà máy là 22.400 đồng/kg trong khi nông dân mua tại đại lý 31.000 - 33.000 đồng/kg. Qua đó cho thấy ngành nông nghiệp địa phương cần có vai trò hơn nữa trong việc liên kết, hạn chế trung gian để nông dân mua được vật tư đầu vào giá hợp lý. Ngoài ra, dù là cường quốc về xuất khẩu tôm nhưng Việt Nam lại không chủ động được con giống, phải nhập khẩu. Vì vậy, muốn ngành tôm phát triển bền vững, nhà nước phải xây dựng trung tâm giống quốc gia để kiểm soát chất lượng tôm từ gốc.
Bình luận (0)