Ông Phạm Ngọc Dũng (64 tuổi, trú tại xóm 2, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; chủ bãi nghêu ở khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng, xã Cẩm Lĩnh) ngày 11-4 cho hay: "Vào tháng 7-2017, gia đình tôi nuôi 2,7 ha nghêu ở khu vực Cồn Vạn, thả nuôi 3,1 tấn nghêu giống, với tiền vốn mua con giống hết gần 200 triệu đồng. Thế nhưng, gần đến mùa thu hoạch, chưa kịp mừng thì từ hơn 1 tuần nay không hiểu vì sao mà cả bãi nghêu bỗng dưng bị chết trắng hàng loạt. Thấy nghêu chết từng ngày mà đắng lòng quá các chú ơi".
Ông Phạm Ngọc Dũng bần thần bên số nghêu bị chết
Tính đến thời điểm hiện tại, ước lượng số nghêu bị chết là gần 2 tấn, với thiệt hại hơn 120 triệu đồng. Nghêu chết trắng bãi đã chiếm đến 70%-80%. Hiện gia đình còn phải vay mượn một khoản tiền khá lớn để thuê nhân công về nhặt, cào số nghêu chết đem đi đổ bỏ để xử lý môi trường, với giá một người dao động từ 120.000-170.000 đồng/ngày. Từ sau khi nghêu chết đến nay, gia đình đã thuê 5-7 lao động nữ.
Cùng chung hoàn cảnh với gia đình ông Dũng, hiện tại nhiều hộ dân nuôi nghêu trên khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang đối mặt với nguy cơ trắng tay, vì hàng tấn nghêu nuôi đến mùa thu hoạch đột nhiên chết hàng loạt phải đem đổ bỏ.
Không chỉ nghêu chết gây thiệt hại về kinh tế hàng trăm triệu đồng, mà hàng ngày người nuôi còn phải bỏ ra kinh phí khá lớn để thuê các lao động về nhặt, cào số vỏ nghêu đã bị chết đem đi đổ bỏ thành từng đống để xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường vùng nuôi.
Ông Trần Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, cho hay tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã có 9 hộ dân nuôi nghêu ở khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng có nghêu nuôi bị chết. Thống kê ban đầu ước tính thiệt hại về kinh tế là hàng trăm triệu đồng, trong đó hộ bị thiệt hại nặng nhất khoảng 80%, hộ bị nhẹ cũng khoảng 40%. Ngay sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã báo cáo lên cấp trên và cơ quan chức năng cũng đã về kiểm tra để tìm nguyên nhân.
"Nguyên nhân bước đầu khiến nghêu bị chết có thể là do trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột"- ông Lam nói.
Một số hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận:
Ông Phạm Ngọc Dũng (trái) bần thần bên số nghêu bị chết
Hằng ngày, gia đình ông Dũng phải thuê nhân công để thu gom số nghêu bị chết đem đi đổ để bảo đảm vệ sinh môi trường
Công nhân thu gom nghêu chết lại
Vợ chồng ông Dũng cùng nhân công thu gom số nghêu chết
Nghêu chết được gom lại
Bình luận (0)