Đến thời điểm này có thể thấy nhiều vấn đề trong Nghị định 116 mà các doanh nghiệp ô tô trước đây kêu vướng hoặc cho rằng không cần thiết, gây lãng phí đã cơ bản có lời giải. Thực tế, nhiều quy định đã cho thấy rõ sự cần thiết trong việc kiểm soát chất lượng xe nhập khẩu.
Chỉ khoảng nửa tháng sau khi Nghị định 116 có hiệu lực, lô hơn 2.000 xe ô tô của Honda Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận VTA và ngay lập tức nhập khẩu về Việt Nam
Lời giải cho những khúc mắc về đường thử xe
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, thời gian qua, Tổ công tác liên ngành (Giao thông - Công thương - Tài chính) đã liên tục có các cuộc làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô để lắng nghe, giải thích và tháo gỡ vướng mắc của các doanh nghiệp.
Theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) - Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, mục tiêu của tổ nhằm khảo sát thực tế, ghi nhận, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Nghị định 116 và Thông tư 03. Thực tế trong quá trình làm việc, sau khi được giải thích cặn kẽ các quy định, nhiều doanh nghiệp ô tô đã đồng thuận với các quy định mới.
"Đến nay, Tổ công tác liên ngành đã tiếp xúc và làm việc với 16 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trong nước để giải thích, nắm bắt tình hình. Sau khi kết thúc, Tổ công tác sẽ có báo cáo Chính phủ về tình hình và hướng giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp."
Ông Trần Quang Hà - Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT)
Điển hình là quy định đường thử phải có chiều dài từ 800m trở lên. Khi ban hành nghị định, rất nhiều doanh nghiệp kêu khó vì không có diện tích để mở rộng bởi đa số được đầu tư xây dựng từ hàng chục năm trước nên rơi vào bế tắc. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, đoàn công tác đã giải thích rõ, trong Nghị định 116 chỉ quy định tổng chiều dài của đường thử tối thiểu là 800m và diện tích chiều ngang tối thiểu 3,75m, không bắt buộc đường thử phải chạy thẳng hoàn toàn. Chẳng hạn với chiều dài đường thử 800m, doanh nghiệp chỉ buộc phải đảm bảo đủ chiều dài chạy thẳng 400m để thử hạng mục tăng tốc, còn lại có thể tận dụng diện tích chiều ngang để thiết kế đường thử vòng lại cho các hạng mục: thử đường sỏi đá, gồ ghề, lượn sóng… Sau khi đối chiếu với cách hiểu này, rất nhiều doanh nghiệp cho biết có thể đáp ứng được.
Suzuki Việt Nam là trường hợp điển hình. Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Khánh Vĩnh Khương, Trưởng phòng Chứng nhận của Suzuki Việt Nam cho biết, khi nghị định vừa ban hành, công ty có thuê một đơn vị tư vấn của Nhật Bản khảo sát, thiết kế và đưa ra phương án tài chính lên tới 5 triệu USD cho một đường thử thẳng, đáp ứng yêu cầu của Nghị định 116. Tuy nhiên khi làm việc với tổ công tác và được giải thích theo cách hiểu trên thì công ty sẽ đưa các giải pháp phù hợp và tiết kiệm hơn nhiều. "Hiện, các tuyến đường chạy vòng quanh công ty có chiều dài hơn 1.000m, chiều rộng của đường thử cũng lên tới 10m nên chúng tôi sẽ tính đến phương án thiết kế đường thử chạy vòng quanh công ty hoặc quay vòng ở phần diện tích chiều rộng…". Tuy vậy, ông Khương cũng kiến nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Theo ghi nhận của tổ công tác, hiện một số doanh nghiệp như: Honda, Toyota, Ford, Mitsubishi… đều có thể đáp ứng quy định về đường thử do các đơn vị này đang làm thủ tục đề nghị địa phương cấp thêm đất để mở rộng nhà máy. Hino Motors Việt Nam cho biết, đơn vị này rất khó đáp ứng quy định về đường thử. Tuy nhiên theo quan điểm của tổ công tác, đây là quy định bắt buộc để bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật của các mẫu xe. Thực tế đây cũng là một phép thử đối với năng lực và cam kết đầu tư dài hạn, chuyên nghiệp của doanh nghiệp.
Đối với một số trường hợp đang gặp khó khăn như GM Việt Nam, không có đủ diện tích để cơi nới, mở rộng nhà máy do xung quanh là đường quốc lộ và đất quốc phòng nên tổ công tác sẽ báo cáo Chính phủ hướng tháo gỡ.
Quy định Giấy chứng nhận VTA, kiểm tra theo lô là cần thiết
Thực tế kể từ khi ban hành Nghị định 116 và Thông tư 03, đây là hai vấn đề mà các doanh nghiệp kêu khó nhất. Tuy nhiên ngay trong những ngày đầu thực hiện các quy định này đã cho thấy sự cần thiết và tính hợp lý.
Đầu tiên là việc cơ quan kiểm định sau khi kiểm tra ngẫu nhiên theo lô 3 chiếc xe của Ford Việt Nam nhập khẩu đã phát hiện không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 như quy định. Đặt trường hợp nếu vẫn áp dụng quy định trước đây, doanh nghiệp chỉ cần kiểm tra 6 tháng một lần là có thể nhập xe thì chắc chắn sẽ rất dễ bị lọt những chiếc xe không đạt tiêu chuẩn bởi thực tế cho thấy, không hẳn lô xe nào sản xuất ra cũng có chất lượng như nhau.
Trong một cuộc làm việc với doanh nghiệp, trước ý kiến cho rằng, những mẫu xe nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản… là những nền công nghiệp sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn cao, không cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) đã thẳng thắn cho biết: "Chúng ta từng chứng kiến những vụ việc bê bối khí thải, gian lận nguồn gốc thép để sản xuất ô tô tại nhiều quốc gia phát triển như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Hay sự cố mới nhất ngay tại Việt Nam đối với một thương hiệu ô tô châu Âu là Euro Auto. Chính vì vậy, không thể khẳng định những chiếc xe nhập khẩu từ các nước tiên tiến về Việt Nam đương nhiên là đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn".
Đối với quy định về việc phải có Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA), theo ông Trần Quang Hà, mục tiêu và tinh thần của Nghị định 116 và Thông tư 03 chỉ nhằm ngăn chặn những chiếc xe trôi nổi, không rõ nguồn gốc được nhập khẩu về Việt Nam. Trước đây, các doanh nghiệp thường kêu khó vì nhiều quốc gia không có hệ thống pháp luật cho phép thực hiện điều này. Tuy nhiên thực tế cho đến nay, hầu hết các mẫu ô tô sản xuất trong khu vực và trên thế giới đều đã được cơ quan chức năng ở nước xuất khẩu cấp giấy chứng nhận hợp lệ. Thậm chí, chỉ sau khi Thông tư 03 có hiệu lực 1 tháng có được VTA, Honda Việt Nam đã thực hiện việc nhập khẩu lô xe miễn thuế đầu tiên từ Thái Lan về Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cũng cho biết, với việc triển khai thực hiện Nghị định 116, mặc dù một số doanh nghiệp còn gặp những vướng mắc về Giấy chứng nhận VTA, đường thử… hoặc chưa thể đáp ứng ngay nhưng chúng tôi đã đề nghị các doanh nghiệp trước mắt chấp hành các quy định đồng thời tiếp tục có những kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc cụ thể trong thời gian tới.
Bình luận (0)