Tại buổi họp báo chuyên đề về nội dung đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản tổ chức chiều 13-4, Bộ Tài chính cho biết đánh thuế đối với nhà, đất ở, máy bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỉ đồng trở lên, ngân sách có thể thu được thêm hàng chục ngàn tỉ đồng.
Ngân sách thu được 31.000 tỉ đồng
Theo nội dung đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính dự kiến đánh thuế 0,4% đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Phần giá trị nhà ở không chịu thuế là từ 700 triệu đồng trở xuống.
Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, cho biết nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã đánh thuế nhà, trong đó có nhà sử dụng cho mục đích kinh doanh vì cho rằng người được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, phúc lợi xã hội sẽ phải có nghĩa vụ đối với nhà nước. Ví dụ, Hàn Quốc quy định các loại nhà chịu thuế tài sản gồm nhà ở, nhà cho sân golf và các dịch vụ xa xỉ, tòa nhà dùng để làm nhà máy ở khu dân cư và các tòa nhà với mục đích khác; Đài Loan quy định các loại nhà chịu thuế là nhà ở và nhà, công trình xây dựng cho mục đích thương mại; Campuchia quy định thu thuế đối với nhà ở, tòa nhà và công trình trên đất...
Theo Bộ Tài chính, việc đánh thuế đất, nhà ở là "phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước", khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, bảo đảm thuế tài sản là nguồn thu ổn định, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước. Với phương án này, dự kiến ngân sách có thể thu được 31.000 tỉ đồng.
Lý giải việc đánh thuế nhà theo giá trị, không đánh thuế với nhà thứ hai trở lên, Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở đi có nhiều nhược điểm. Theo đó, sẽ không bảo đảm công bằng khi có trường hợp chỉ có một căn nhà nhưng diện tích lớn hoặc giá trị lớn lại không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà, mỗi nhà có diện tích thấp hoặc giá trị thấp lại bị đánh thuế. Ngoài ra, có thể gây khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai thực tế tại Việt Nam, cần có sự phối hợp thực hiện giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở.
Ngoài ra, Bộ Tài chính lo ngại phương án này có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản khi ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong việc lựa chọn giữa đầu tư nhà ở và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường. Ngoài ra, việc đánh thuế đối với nhà ở thứ 2 trở lên tác động đến thị trường nhà cho thuê.
Dự án Luật Thuế tài sản đặt ra vấn đề thu thuế đối với ô tô có giá trị trên 1,5 tỉ đồngẢnh: HOÀNG TRIỀU
174 nước thu thuế tài sản
Bên cạnh đất, nhà ở, Bộ Tài chính cũng đề xuất phương án đánh thuế với máy bay, du thuyền, ô tô trên 1,5 tỉ đồng, mức thuế dự kiến áp dụng từ 0,3%-0,4%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng để ngỏ thêm phương án khác là không đánh thuế, bởi hiện chỉ có 3 nước đánh thuế tài sản đối với động sản bao gồm máy móc thiết bị, phương tiện (trong đó có ô tô, máy bay, tàu thuyền). Ngoài ra, theo số liệu do Bộ Giao thông Vận tải cung cấp, 100% số lượng máy bay, du thuyền đăng ký trên toàn quốc thuộc sở hữu của các tổ chức chứ không thuộc sở hữu tư nhân.
Đại diện Bộ Tài chính bảo thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỉ lệ trung bình 3%-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển. Tại một số nước, tỉ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỉ lệ này có thể thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỉ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á là khoảng 2%.
Trong khi đó, ở Việt Nam, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.
"Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần bảo đảm công bằng xã hội" - ông Phạm Đình Thi giải trình thêm.
Bình luận (0)