Không chỉ các tỉnh phía Nam và các địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế, cơn sốt đất nền đang diễn ra ở nhiều địa phương khác trên cả nước, trong đó có Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Theo báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá đất nền tại hầu hết dự án ở nhiều vùng của Hà Nội đều tăng khoảng 10%. Khu vực quận Cầu Giấy giá trung bình là khoảng 180 - 200 triệu đồng/m2; khu vực quận Từ Liêm, Tây Hồ giá trung bình 120 - 150 triệu đồng/m2.
Khu vực quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì giá trung bình 25 - 50 triệu đồng/m2; khu vực quận Long Biên, Gia Lâm giá trung bình 30 - 50 triệu đồng/m2; khu vực huyện Đông Anh giá trung bình 30 triệu đồng/m2. Nhiều dự án đất nền tại quận Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ... vừa mở bán đầu năm 2018, hiện mức giá chênh cũng được đẩy lên vài trăm triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/căn...
Tại Hà Nội vẫn còn hàng chục khu đô thị đang bị bỏ hoang. Ảnh: Dũng Minh
Tại Dự án Thanh Hà (Hà Đông), giá đất nền, biệt thự tại đây từ mức giá gốc bán ra năm ngoái của chủ đầu tư là 15 - 18 triệu đồng/m2, nay đã được đẩy lên mức 24 - 30 triệu đồng/m2, thậm chí ở vị trí đẹp có thể lên tới giá 45 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là trong khi cơn sốt đất nền đang lan rộng, thì tại Hà Nội vẫn xuất hiện nhiều dự án đất nền, biệt thự bị bỏ hoang, điển hình như tại huyện Mê Linh.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 50 dự án bất động sản với tổng diện tích khoảng 2.000 ha, tập trung tại các xã ven Đại lộ Võ Văn Kiệt trong đó, có khoảng 20 dự án lớn, quy mô từ vài chục đến vài trăm héc-ta, tập trung nhiều nhất tại xã Tiền Phong.
Tuy nhiên, nhiều dự án đã triển khai hơn 10 năm nay, nhưng cơ sở hạ tầng đến nay vẫn chưa hoàn thiện, một số dự án dù đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhưng bị bỏ hoang vì không có, hoặc rất ít người dân về sinh sống.
Còn theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện trạng hàng trăm nhà phố, biệt thự bỏ hoang nhiều năm nay cũng diễn ra tại Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) do Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, Khu đô thị Cầu Bươu (Thanh Trì) được UBND TP. Hà Nội giao cho Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội, thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư và một số khu đô thị khác như An Khánh (Hoài Đức), Thiên đường Bảo Sơn (Hoài Đức)…
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Nguyễn Văn Thành, nhân viên môi giới nhà đất tại Hà Đông cho biết, trên thực tế, các khu đất liền kề, biệt thự ở các dự án vẫn được bán và có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc xây dựng chậm hoặc bỏ hoang phụ thuộc nhiều yếu tố như khả năng của nhà đầu tư, thói quen tích trữ tài sản của người Việt Nam.
Còn theo bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc CBRE Hà Nội, ở Việt Nam, nhà đầu tư hay chủ đầu tư có kinh nghiệm không nhiều, nên dẫn đến đưa ra dự án không đúng thời điểm và trở thành “dự án chết”.
Đồng quan điểm, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội cho rằng, tình trạng dự án bỏ hoang diễn ra hiện nay là do chủ đầu tư chỉ nhăm nhe xin đất, đua vẽ dự án để kiếm lời, trong khi cơ quan quản lý không quản được tiến độ, kế hoạch xây dựng từng công trình, từng khu vực cụ thể.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trong phân khúc đất nền, người mua phần nhiều là nhà đầu tư lướt sóng, nên mới có tình trạng dự án đã xong nhưng bị bỏ hoang.
“Chính vì vậy, người có nhu cầu thực nên chờ đợi giá cả ổn định và phải để ý đến hồ sơ pháp lý của dự án rồi hãy xuống tiền mua”, ông Châu khuyến cáo.
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh tay để tránh tình trạng giới đầu cơ thổi giá và quản lý chặt tiến độ dự án, thì nghịch lý đất nền sốt, trong khi dự án vẫn bị bỏ hoang sẽ còn tiếp diễn.
Bình luận (0)