Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa khuyến cáo một số vấn đề với người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng vay tiêu dùng.
Theo đó, đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm. Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý 1-2021 của Tổng cục Thống kê cho biết cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch.
Trong bối cảnh này, hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch. Một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng này để giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại.
Người vay tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lãi suất, phí phạt và tránh vay quá khả năng thanh toán
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, so với việc đi vay nặng lãi tại những nguồn cung không bảo đảm, uy tín thì vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan, an toàn hơn cho người tiêu dùng. Dù vậy, người vay cần tìm hiểu kỹ để tránh những hậu quả không đáng có.
Cụ thể, người vay phải ký hợp đồng vay tiêu dùng bằng văn bản với tổ chức tín dụng, bởi mọi hình thức giao kết khác như bằng lời nói, hành vi cụ thể... sẽ dẫn đến việc hợp đồng đó vô hiệu về hình thức theo quy định của pháp luật dân sự.
Khi nhận được dự thảo hợp đồng do tổ chức tín dụng cung cấp, người vay cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng, lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình như thời hạn cho vay; lãi suất cho vay; các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; các loại phí khác mà người vay phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định).
Đồng thời, theo quy định tại hợp đồng, người vay có được gia hạn nợ hay không, gia hạn như thế nào, cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này?...
"Người vay nên chủ động tìm hiểu thật kỹ, cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. Có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ" – Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.
Trường hợp vay sử dụng số tiền bất hợp pháp hoặc mất khả năng thanh toán nợ cho công ty tài chính sẽ bị xử phạt theo quy định tại hợp đồng và quy định pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, các công ty tài chính cũng có nghĩa vụ phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký và phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng…
Thống kê cho thấy dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012.
Trong năm 2021, nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu vay tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, có thể tăng khoảng 13-15%.
Bình luận (0)