Sáng 25-2, nhiều người đi ngang Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đoạn gần vòng xoay Điện Biên Phủ (quận 1, TP HCM) bị thu hút bởi các băng rôn treo bảng "Điểm bán giải cứu bưởi đào" – huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai" giá 15.000 đồng/kg.
Bưởi đào ít được thấy trên thị trường TP HCM trước giờ
Bưởi đào quả tròn, da vàng, khá xù xì, múi bưởi màu hồng đào bắt mắt, khá lạ so với những giống bưởi bán phổ biến tại TP HCM.
Người tiêu dùng TP HCM mua bưởi đào ủng hộ rất nhiều
Ông Bùi Duy Nam, tổ trưởng tổ hợp tác Bưởi đào Suối Nhát (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), cho biết đây là giống bưởi miền Bắc (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) theo người dân Hải Dương trồng ở đây khoảng 20 năm và trồng chuyên canh khoảng 10 năm.
"Trước giờ thương lái đến tận vườn mua đem bán ngược ra phía Bắc hoặc những nơi chuyên bán đặc sản miền Bắc nên người tiêu dùng TP HCM còn thấy xa lạ. Năm nay, do Covid-19 nên thương lái bỏ cọc, tiêu thụ khó khăn nên chúng tôi phải kêu gọi giải cứu. Mọi năm, bưởi này bán tại vườn từ 17.000 – 25.000 đồng/kg. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chúng tôi thành lập tổ hợp tác, hướng đến nâng cao chất lượng và tạo đầu ra bền vững cho bưởi đào" – ông Nam bày tỏ.
Bưởi đào được tập trung tại khuôn viên Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam
Hiện vùng chuyên canh bưởi đào ở huyện Cẩm Mỹ có hàng trăm tấn bưởi của bà con nông dân đã đến vụ thu hoạch nhưng chưa tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Do đó, UBND huyện Cẩm Mỹ, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Công đoàn khối cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường TP HCM, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Đài truyền hình VTC đã tổ chức chương trình giải cứu bưởi đào cho bà con nông dân.
Phân chia các đơn hàng giao tận nơi cho khách
Theo thạc sĩ Ngô Xuân Chinh (công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), đầu mối thực hiện chương trình giải cứu bưởi đào, buổi sáng đầu tiên tổ "giải cứu" đã bán lẻ tại chỗ và giao đi được hơn 5 tấn bưởi đào. Ngoài ra, vẫn còn khoảng 6 tấn bưởi nữa đã được các nơi đặt mua ủng hộ. Chương trình dự kiến diễn ra thêm vài ngày nữa do lượng bưởi cần tiêu thụ vẫn còn nhiều.
Ông Chinh cho hay hoạt động giải cứu được thực hiện theo phương thức "bán hộ" cho bà con nông dân chứ không tính chuyện lời lỗ.
Theo ghi nhận của phóng viên, khách lẻ ghé mua trực tiếp khá đông, nhiều người mua cả chục quả bưởi đào do sau khi ăn thử thấy ngon và giá rẻ so với thị trường. Ngoài ra, đoàn viên Công đoàn khối cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được lời kêu gọi cũng gom đơn mua chung để tiện giao hàng với số lượng lớn.
Bình luận (0)