Chỉ trong năm 2013, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) Bộ Công Thương đã phải hỗ trợ xử lý 7 vụ việc mới về phòng vệ thương mại, gồm 4 vụ về điều tra chống bán phá giá, 2 vụ điều tra chống trợ cấp và 1 vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Nếu tính từ năm 2009 đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 33 vụ kiện phòng vệ thương mại từ khắp các thị trường nhập khẩu, trong đó nhiều nhất là bị kiện bán phá giá với 22 vụ.
Mặt hàng nào cũng bị kiện
Mặt hàng xuất khẩu bị kiện bán phá giá đủ loại: tôm, cá tra, cá ba sa, thép cán nguội nhập khẩu, thép mạ kẽm và thép mạ màu, lốp xe máy, sợi nhập khẩu… Gần đây, không chỉ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà ngay sản phẩm đặc thù như máy biến thế cũng bị kiện. Riêng sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bị kiện đến 2 lần trong năm 2013 từ thị trường Mỹ.
Hàng loạt thị trường nhập khẩu hàng từ DN Việt Nam đều khởi xướng các vụ kiện như Mỹ, Brazil, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, EU… Tháng 12-2013, lần đầu tiên Ủy ban châu Âu (EC) thông báo quyết định khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm sợi PSF nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.
Đây là vụ điều tra chống trợ cấp đầu tiên của EU đối với Việt Nam. Mới đây, đầu tháng 3-2014, Ủy ban Điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp Peru cũng chính thức điều tra, rà soát việc áp thuế chống bán phá giá mặt hàng giày mũ vải nhập khẩu từ Việt Nam.
Thủy sản là ngành liên tục phải hứng chịu các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp từ các thị trường
Ảnh: THANH VÂN
Việc bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã gây thiệt hại không nhỏ cho DN xuất khẩu, ngành sản xuất trong nước khi phải tốn chi phí đi kiện và đấu tranh đòi công bằng. Theo các DN xuất khẩu, thiệt thòi nhất khi “dính” vào các vụ kiện chống bán phá giá là nguy cơ mất đơn hàng, mất thị trường.
Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát (Bình Dương), cho biết DN từng bị EU áp thuế chống bán phá giá 10% đối với mặt hàng mũ da vào thời điểm năm 2006. Mức thuế này đã được EU dỡ bỏ từ năm 2011 nhưng đến nay, Liên Phát vẫn chưa phục hồi được năng lực sản xuất do các nhà nhập khẩu đồng loạt rút đơn hàng vì không chịu được mức thuế cao.
Muốn tồn tại phải thích nghi
Theo bà Liên, không phải các DN xuất khẩu da giày bán phá giá mà do chưa có kinh nghiệm trong kê khai hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính khi ra thị trường quốc tế. Một thực tế là không ít DN Việt dù đã gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng còn thói quen “giấu giếm” thông tin, không minh bạch nên thường “khai bớt” giá để đóng thuế ít.
Đến khi bị kiện chống bán phá giá mới ngã ngửa. “Sau vụ EU kiện các DN xuất khẩu da giày, Bộ Công Thương có tổ chức họp yêu cầu DN phải cải thiện mức giá xuất khẩu khi vào thị trường EU, minh bạch trong khai báo thông tin hàng hóa” - bà Liên nói.
Thủy sản là ngành liên tục phải hứng chịu các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp từ các thị trường. Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, cho rằng: “Nói một cách công bằng, DN bị coi là bán phá giá chỉ khi giá xuất khẩu thấp hơn giá thành sản xuất. Còn bán giá thấp không có nghĩa là bán phá giá bởi các DN phải bỏ tiền ra kinh doanh và phải có trách nhiệm chứ không chỉ bán lỗ”.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, sau nhiều năm hội nhập, Việt Nam chỉ mới tiến hành 3 vụ phòng vệ thương mại nhưng lại bị kiện phá giá, chống trợ cấp hàng chục vụ và nguy cơ còn tăng cao trong thời gian tới cho thấy chúng ta chưa chuẩn bị kỹ cho hội nhập thị trường.
Để ứng phó, không chỉ nhà nước mà DN cần chủ động, coi đấu tranh chống bị kiện bán phá giá là việc thường xuyên và phải làm chuyên nghiệp. Nhà nước cũng cần có chính sách để bảo vệ hàng hóa trong nước trước xu hướng hàng nước ngoài ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Xu thế tất yếu
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, khi hàng rào thuế quan càng hạ thấp, các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa nội địa sẽ được các nước dựng lên càng nhiều. Đây là vấn đề tất yếu không thể tránh khỏi do áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hiện một số quốc gia không coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên áp dụng thuế bất bình đẳng, so sánh giá với một nước thứ ba nên giá luôn cao hơn, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam luôn bán phá giá.
Lúc này, việc tham gia các hiệp định thương mại sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng được công nhận là kinh tế thị trường, khi đó DN giảm áp lực kiện cáo bởi giá sản phẩm sẽ được căn cứ vào thị trường.
Bình luận (0)