Lãi suất phổ biến ở kỳ hạn dưới 6 tháng đã lên mức kịch trần 7%, kỳ hạn trên 6 tháng từ 7,2%-7,8%, thậm chí có ngân hàng đã trả hơn 8%/năm. Các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên đều có mức lãi suất từ 9% trả lãi cuối kỳ.
Ngược với lãi suất đầu ra, các ngân hàng vẫn tiếp tục giảm lãi suất cho vay để đẩy mạnh thanh khoản. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, so với cùng kỳ nhiều năm trước, nhu cầu vốn của cộng đồng doanh nghiệp thấp hơn nhiều. Bản thân các ngân hàng khi duyệt hồ sơ vay vốn cũng rất thận trọng, không dám hạ chuẩn cho vay để không làm phát sinh nợ xấu.
Tính đến hết tháng 10-2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 6,8%, nếu tính cả phần nợ xấu được xử lý thông qua quỹ dự phòng rủi ro của các ngân hàng và qua mua bán nợ với Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì con số này là 7,89%. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra cho cả năm là tăng trưởng tín dụng ở mức 12%. Như vậy, áp lực tăng trưởng tín dụng cho 2 tháng cuối năm là rất lớn với lượng vốn đẩy vào nền kinh tế tương đương khoảng 16.000 tỉ đồng.
Các chuyên gia kinh tế quan ngại nếu chỉ tiêu gây áp lực quá lớn có thể làm giảm chất lượng tín dụng hoặc dẫn đến con số ảo. Năm 2011, các ngân hàng ồ ạt đẩy tín dụng lên cao để lấy khối lượng phân bổ tín dụng cho năm sau khiến dư nợ của cả quý I năm sau đó tăng trưởng âm tới 2,25%. Sang năm 2012, chỉ trong 2 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng tăng trưởng ngoạn mục 6% trong khi tính chung cả 12 tháng tăng tổng cộng chưa đến 9%. Những con số này không những không phản ánh trung thực nhu cầu tín dụng của nền kinh tế mà còn gây khó cho công tác điều hành, làm giảm lòng tin của thị trường.
Xem xét mối quan hệ giữa tín dụng và tăng trưởng thì GDP năm 2012 tăng 5,25%, năm nay khoảng 5,4. Điều này chứng tỏ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra, không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng đến 12%.
Bình luận (0)