xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ thành bãi rác thực phẩm

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Thị trường thịt heo tiêu chuẩn cao gắn với thương hiệu vừa phát triển rầm rộ đã phải thu hẹp, người tiêu dùng đang chấp nhận hạ tiêu chuẩn vì giá rẻ

Theo các chuyên gia, trong khó khăn chung của ngành thịt heo hiện nay thì phân khúc cao cấp khó khăn nhất vì thị trường thu hẹp, số lượng doanh nghiệp tham gia đông giữa lúc phân khúc bình dân đang vật lộn với nguồn thịt nhập khẩu giá rẻ.

Âm thầm đóng cửa

TP HCM - thị trường tiêu thụ lớn nhất nước - từng chứng kiến hàng loạt cửa hàng thực phẩm tươi sống, trong đó chủ lực là nhóm thịt, tưng bừng khai trương giai đoạn 2021-2022. Thế nhưng, chỉ trong vài tháng đầu năm 2023, nhiều cửa hàng đã âm thầm đóng cửa.

Cửa hàng thịt sạch trên đường Nguyễn Huy Tự (gần chợ Đa Kao, quận 1) thuộc chuỗi G-Kitchen vừa tự đóng cửa vào đầu tháng 3. Khách hàng thân thiết của cửa hàng này muốn mua hàng phải tới 2 chi nhánh khác trên đường Hai Bà Trưng (quận 3) hoặc Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh).

Hệ thống Meat World cũng vừa chuyển hoạt động bán lẻ tại một vị trí rất đẹp, diện tích lớn trên đường Trần Khắc Chân (quận 1) sang mặt bằng nhỏ hơn nhiều trên đường Trần Quang Khải (quận 1).

Với các chuỗi cửa hàng thịt heo đình đám năm ngoái như "heo ăn chuối" của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và "heo ăn chay" của Công ty CP Nông nghiệp BaF, năm nay hầu như không có tin tức về khai trương chi nhánh mới mà chủ yếu là các thông tin về khuyến mãi.

Nguy cơ thành bãi rác thực phẩm - Ảnh 1.

Phụ phẩm heo nhập khẩu được bán ngoài chợ với giá rất rẻ

Mới đây, trong báo cáo thường niên năm 2022, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, có "tâm thư" gửi cổ đông trước ngày đại hội cổ đông năm 2023. Bầu Đức nêu rõ ngành nuôi heo gặp khó từ quý IV/2022, giá bán sụt giảm nên tập đoàn chỉ giữ quy mô đàn 600.000 con/năm 2023 thay vì tăng lên 1 triệu con/năm theo kế hoạch.

Ông Bùi Văn My, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) - chủ quản hệ thống Sagrifood, cho hay quy trình sản xuất thịt heo mát nếu làm đúng từ khâu giết mổ công nghiệp, làm mát, pha lóc theo yêu cầu đến đóng túi hút chân không hoặc bọc màng co đem bán là dòng sản phẩm có tiêu chuẩn cao vì loại bỏ được nguy cơ nhiễm khuẩn, là xu thế của thị trường.

"Tuy nhiên, chi phí để sản xuất, vận chuyển và bán lẻ thịt heo mát cao hơn so với "thịt nóng" nên người tiêu dùng đắn đo, nhất là trong bối cảnh đang thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn. Trong khi đó, phía nguồn cung thịt mát đang khá dồi dào. Vài năm trước, vào siêu thị chỉ có 2-3 nhà cung cấp thịt mát, nay có không dưới 10 đơn vị, cạnh tranh rất gắt trong khi biên lợi nhuận mảng này ngày càng thu hẹp" - ông My phân tích.

Sở hữu chuỗi bán lẻ thịt heo lâu năm nhưng Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cũng không thoát khỏi khó khăn chung. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc VISSAN, nhận xét người tiêu dùng đang tiết giảm cả với nhóm thực phẩm thiết yếu. Trong mảng thịt heo tươi sống, VISSAN ghi nhận mức giảm đến 10% so với trước dịch COVID-19.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Quách Phong, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Ipsos Việt Nam - công ty nghiên cứu thị trường thường xuyên có các báo cáo về thịt heo Việt Nam, nhận định thị trường thịt heo cao cấp đang rất khó khăn. Người tiêu dùng đang ưu tiên hàng giá rẻ.

"Nhiều người đã hạ tiêu chuẩn mua hàng, từ mua ở siêu thị, cửa hàng sang mua ngoài chợ cũng vì lý do giá rẻ. Họ còn đổi qua những loại đạm có giá dễ chịu hơn như thịt gà, trứng, cá… Dự báo tình hình này vẫn tiếp diễn, có thể kéo dài đến quý III/2024. Nhiều doanh nghiệp phát triển mảng thịt heo mát gắn với thương hiệu đang phải thu gọn lại, đợi thị trường phục hồi" - ông Phong lo ngại.

Phụ phẩm nhập khẩu đè giá

Trong khi phân khúc thịt tiêu chuẩn cao, giá cao thu hẹp thì phân khúc giá rẻ, thậm chí dưới chuẩn, lại nở nộ, nhất là nguồn đông lạnh.

Suốt thời gian dài, khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi thường xuyên dưới giá thành khiến người chăn nuôi điêu đứng thì nguồn nhập khẩu đổ về không hề giảm. Theo số liệu thống kê quý I/2023, giá trị nhập khẩu của thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 302,3 triệu USD.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, sau giai đoạn COVID-19, người tiêu dùng TP HCM bắt đầu quen với thịt đông lạnh, thị trường có nhiều điểm bán lẻ, thậm chí bày bán ngoài nhiệt độ thường. Tại một điểm bán trên đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, xương nấu nước lèo chỉ 10.000 đồng/kg, gan 25.000 đồng/kg, thú linh (lòng già heo) 55.000 đồng/kg, bao tử 100.000 đồng/kg, xương nạc 55.000 đồng/kg… - rẻ hơn hàng trong nước 30%-50%. Nhiều khách mua cho biết hàng đông lạnh bán ở chợ thường có mùi hôi, không ngọt nước nhưng nếu biết cách khử và khéo nêm nếm thì sẽ tiết kiệm được chi phí.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, rất bức xúc về việc các loại phụ phẩm, nội tạng động vật được nhập về tràn lan. "Đây là những mặt hàng nước ngoài không sử dụng, thường được nghiền làm thức ăn cho gia súc nên giá rất rẻ. Xương, gan, thú linh, chân giò… mua bao nhiêu cũng có với giá chưa bằng một nửa hàng trong nước. Chúng ta cần có biện pháp kiểm soát, tránh trở thành bãi rác thực phẩm cho các nước" - ông Ngọc nhìn nhận.

Theo ông Ngọc, nhiều nước trên thế giới kiểm soát sản phẩm động vật nhập khẩu rất chặt chẽ. Ngay cả một cây xúc xích đã chín cũng không dễ "xách tay" qua hải quan các nước này.

Theo TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV), Việt Nam và Trung Quốc là điểm đến của các nhà xuất khẩu thịt trên thế giới đối với nhóm hàng phụ phẩm do thói quen tiêu dùng. 

"Hai năm qua, vì lý do dịch COVID-19, Trung Quốc gần như không cho nhập khẩu nên các loại phụ phẩm giá rẻ đổ dồn về Việt Nam, kéo mặt bằng giá thịt chung xuống rất thấp. Tôi không có số liệu thống kê chi tiết nhưng tỉ trọng phụ phẩm trong giá trị sản phẩm động vật nhập khẩu là khá lớn" - TS Đạt nhận xét.

Cũng theo TS Đạt, quan điểm của AHAV là cần hạn chế nhập phụ phẩm động vật vì sức khỏe người tiêu dùng cũng như bảo vệ ngành chăn nuôi. "Phụ phẩm động vật rất gần với những bộ phận chứa chất thải của vật nuôi, kém về dinh dưỡng, kiểm soát vệ sinh không bằng chính phẩm nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Phụ phẩm, nội tạng động vật cũng là nhóm thực phẩm mà các bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng nhiều vì không tốt cho sức khỏe" - TS Đạt phân tích. 

Kiểm soát chặt thịt heo nhập khẩu

Theo thông báo ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại cuộc họp giao ban tháng 3, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II/2023 vừa được ban hành, Cục Thú y được giao nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm thịt heo, bảo đảm theo đúng quy định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo