Ngày 24-2, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng, ông Đỗ Đức Duy, chính thức khẳng định: “Bộ Xây dựng không đề xuất và cũng không chủ trì nghiên cứu đề án nào với gói tín dụng 100.000 tỉ đồng hỗ trợ thị trường BĐS. Trong Chương trình xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ trong năm 2014, Chính phủ cũng không giao Bộ Xây dựng hoặc một bộ, ngành nào khác nghiên cứu đề án về hỗ trợ thị trường BĐS với gói tín dụng 100.000 tỉ đồng”.
Vậy thực hư gói 100.000 tỉ đồng cứu thị trường BĐS ra sao? Thông tin này bắt nguồn từ phát ngôn của TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công thương Hà Nội), tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 2014 được tổ chức vào cuối tuần qua ở TP HCM. TS Lê Xuân Nghĩa cho biết cơ quan chức năng đang cân nhắc tung gói tín dụng có thể lên tới trên dưới 100.000 tỉ đồng để thúc đẩy hồi phục thị trường BĐS.
Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều 24-2, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết đây là kế hoạch liên kết của 5 ngân hàng (NH) lớn, bao gồm 4 NH thương mại quốc doanh và NH Xây dựng, trong đó NH Xây dựng là đầu mối tổ chức. Tham gia vào liên kết này còn có Tập đoàn Thiên Thanh hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, BĐS và nắm giữ hơn 10% cổ phần tại NH Xây dựng. Các bên dự kiến tung gói tín dụng quy mô từ 75.000 - 100.000 tỉ đồng nhằm thúc đẩy thị trường BĐS. Gói tín dụng này sẽ tài trợ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà ở theo hướng liên kết 4 nhà (NH, nhà thầu, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và nhà đầu tư). Nhà ở này không nhất thiết là căn hộ mới, người đang ở nhà phố chật hẹp muốn thay đổi, muốn đập đi để xây mới hoặc có đất muốn xây nhà... đều được hưởng ưu đãi của gói tín dụng này.
Người vay vốn được giải ngân tiền mặt để chi trả cho các nhu cầu xây dựng, mua bán BĐS. Nếu vay mua nhà sẽ được chuyển một phần dư nợ sang vật liệu xây dựng chuyển thẳng đến công trình. Gói hỗ trợ này sẽ phải khắc phục các nhược điểm của gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng như cân bằng lợi ích giữa các bên, tạo ra khuôn khổ người tiêu dùng rộng rãi hơn, tăng thời hạn cho vay (có thể 15 năm); giảm lãi suất tối đa và đặc biệt là giá phải thấp. Về khả năng giảm lãi suất và giá, theo TS Lê Xuân Nghĩa là có thể được vì việc liên kết giữa 4 nhà, dự kiến lãi suất cho vay và chi phí xây dựng sẽ giảm đáng kể so với thị trường.
Như vậy, đây là gói tín dụng BĐS cho vay theo nguyên tắc thị trường, không phải gói hỗ trợ nhà ở của Chính phủ.
Bình luận (0)