Ngày 28-9, Sở Xây dựng TP HCM tổ chức buổi tọa đàm “Nhà ở xã hội (NƠXH), thực trạng, dự báo và giải pháp”. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, NƠXH đang rơi vào tình trạng cung chẳng thấm vào đâu so với cầu.
Thiếu hụt trầm trọng
Bà Vũ Thị Khuyên, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (BĐS) Sở Xây dựng, cho biết hiện TP HCM có 139.000 cán bộ, viên chức - tương đương hơn 80.000 hộ - chưa có nhà; 13.000 hộ bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị và 1,2 triệu người nhập cư - tương đương 300.000 hộ - cần NƠXH.
Một dự án nhà ở xã hội tại huyện Hóc Môn, TP HCM được đưa vào sử dụng
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ năm 2006 đến nay, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư 51 dự án NƠXH, tổng số hơn 48.000 căn hộ. Trong đó hoàn thành 12 dự án, với gần 4.000 căn hộ, bao gồm 6 dự án sử dụng vốn ngân sách và 6 dự án ngoài ngân sách. Một số dự án NƠXH nổi bật trên địa bàn TP như: chung cư Đông Hưng II, khu dân cư An Sương (quận 12); dự án 242/16 Bà Hom (quận 6); dự án 157/R8 Tô Hiến Thành (quận 10); khu chung cư 171A Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình); chung cư Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp); chung cư 481 Bến Ba Đình (quận 8); khu liên hợp cao ốc thương mại và căn hộ Hoàng Quân; chung cư lô A, dự án khu dân cư lô số 4 (huyện Bình Chánh); trung tâm thương mại và khu chung cư cao tầng (huyện Hóc Môn)…
Với thực trạng xây dựng NƠXH như “muối bỏ biển”, toàn TP còn hơn 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc ở chung với cha mẹ, người thân cần NƠXH. Để đáp ứng được nhu cầu này, TP phải cần quỹ đất 360 ha để xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP - để đạt mục tiêu trên là rất khó. “Tôi gọi đây là một điều kỳ diệu nếu làm được bởi thực tế, thiếu hụt NƠXH đang ở mức nghiêm trọng” - ông Tuấn nói.
Thủ tục nhiêu khê
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS, việc xây dựng NƠXH ở TP HCM phải bỏ nguồn vốn lớn nhưng khả năng thu hồi rất thấp, rồi thủ tục nhiêu khê, phức tạp nên gần như các DN không chú trọng lắm.
Ông Trương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, so sánh: Việc xây dựng NƠXH ở các tỉnh, thành như Khánh Hòa, Tây Ninh nhanh hơn nhiều lần so với ở TP HCM. Đơn cử, một dự án ở quận 2 của Hoàng Quân đăng ký từ đầu năm 2014, đến nay mới hoàn tất giấy tờ ban đầu, tức phải mất 2 năm ròng rã. Trong khi đó, ở các tỉnh, thành khác chỉ mất vài ngày, thậm chí vài cuộc điện thoại là xong. Ngoài ra, ở tỉnh khi xây dựng NƠXH được chính quyền giao đất miễn phí, thậm chí có những mảnh đất vàng nhưng tại TP HCM, DN phải bỏ tiền tự đền bù giải tỏa… “Những bất lợi kể trên đã khiến giá thành các căn hộ tăng lên, không hợp túi tiền của người cần mua nhà” - ông Tuấn thẳng thắn và mong muốn thời gian tới, TP cần cải tiến thủ tục hành chính bằng cách “gom” một đầu về Sở Xây dựng, đồng thời giảm một số phí, thuế để giảm giá thành nhà giúp người thu nhập thấp có điều kiện mua dễ dàng hơn.
Về thủ tục hành chính còn máy móc, ông Trần Trọng Tuấn giãi bày: Việc xin cấp một tờ giấy mất 2 năm là điều không thể chấp nhận được. Tôi phải họp bàn để kiểm điểm, rút kinh nghiệm; sắp tới, Sở Xây dựng sẽ hình thành mô hình “một cửa liên thông” để giảm phiền hà cho DN và người dân”.
Đề xuất xây nhà cho thuê
Trước thực trạng NƠXH khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành, đưa ra giải pháp nên tạm ngưng việc xây dựng NƠXH dạng bán đứt cho khách hàng mà chuyển sang dạng cho thuê.
Ông Nghĩa nói: Thực tế cho thấy rất nhiều người thu nhập thấp phải sinh sống trong những căn nhà trọ chật chội với diện tích chỉ 10 m2, tiện nghi không có nhưng giá thuê từ 1,2-1,5 triệu đồng/tháng. “Từ nhu cầu đó, tôi nhận thấy chính quyền TP nên làm NƠXH dạng cho thuê là đúng nhất. Mặc dù biết rằng lợi nhuận không cao nhưng lại là cách đầu tư đáp ứng nguyện vọng của người dân” - ông Nghĩa đề xuất và cho biết thêm: Hiện Công ty Lê Thành đã xây dựng 300 căn hộ có diện tích 19-20 m2 với giá cho thuê 1,5 triệu đồng/tháng.
Các căn hộ này được trang bị mặt bếp đá hoa cương, phòng ngủ, có ban công, cửa sổ thông thoáng và đặc biệt có bảo vệ giữ xe, camera an ninh. Ngoài ra, có 1.800 căn hộ diện tích từ 35-38 m2 được thuê dài hạn 49 năm dành cho hộ gia đình. Chỉ trong những ngày đầu mở cửa cho thuê đã có hàng trăm người đến đặt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, nhìn nhận việc xây nhà cho thuê hay còn gọi là nhà trọ cao cấp giá rẻ đang là xu thế, đáp ứng đúng thực trạng. Ông dẫn chứng từ những năm 1960,
TP HCM đã áp dụng mô hình này, thông qua các dự án như cư xá Ngân Hàng, cư xá Đường Sắt… Kế tiếp, năm 1989 lần đầu xuất hiện hình thức mua nhà trả góp như khu Bàu Cát (quận Tân Bình). Theo đó, người thuê có thể ở cả đời và khác với mô hình mua nhà chung cư là không sở hữu giá trị căn nhà.
Trước đề xuất trên, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn khẳng định sẽ nghiên cứu, ghi nhận các ý kiến để gửi lên UBND TP HCM với đề xuất thành lập tổ công tác để giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người dân.
Ai được mua nhà ở xã hội?
Ông Dư Phước Tân -Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM - cho biết các điều kiện được hưởng chính sách NƠXH là những người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người lao động đang làm việc tại các DN, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong đơn vị công an, quân đội, cán bộ, công chức, viên chức, hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất… Qua khảo sát nhận thấy trung bình mỗi tháng, các đối tượng trên dư khoảng 2-3 triệu đồng. Số tiền dư này rất khó mua được nhà ở thương mại nên tất cả kỳ vọng vào NƠXH.
Bình luận (0)