Tại đây, 22 nhà mua hàng là doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) và DN công nghiệp quy mô lớn đã tiếp xúc với khoảng 130 DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Với danh mục hơn 350 chi tiết linh kiện có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước thuộc các ngành nghề điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động, tự động hóa công nghiệp…, các nhà mua hàng đã thực hiện hơn 300 cuộc kết nối trực tiếp 1-1 với đại diện 130 nhà sản xuất Việt Nam.
Các doanh nghiệp tham gia kết nối trực tiếp tại SFS 2023
Trao đổi bên lề hội nghị, bà Sabrina Anh Tran, Giám đốc mua hàng TTI, cho biết công ty đang tìm kiếm các nhà cung cấp cho các thành phần kim loại, gia công tiện và phay, dập kim loại, đúc khuôn, các bộ phần của động cơ… nhằm hỗ trợ việc mở rộng sản xuất của các đơn vị kinh doanh và các ngành hàng của TTI tại Việt Nam.
Từ kinh nghiệm nhiều năm phối hợp với Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM (CSID) tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đại diện TTI chỉ ra các DN Việt Nam đang gặp thách thức về chi phí, chất lượng, dịch vụ và giao tiếp khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Các nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đều là những chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất của họ. Tuy nhiên, DN phải có khả năng đổi mới, tăng cường đầu tư vào đội ngũ nghiên cứu và phát triển để nâng tầm lên một cấp độ cao hơn và thực sự thu hút được nhiều khách hàng" - bà Sabrina Anh Tran nhận xét.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc CSID, cho hay phần lớn DN FDI đánh giá DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thiếu tự tin. "Có những DN trước đó không đáp ứng tiêu chí nhà mua hàng, qua 2-3 năm đã có sự đổi mới, tham gia được vào một số chuỗi cung ứng. Tuy vậy, họ lại bỏ qua cơ hội chào hàng lần nữa đến những nhà mua hàng mà họ từng tiếp xúc trước đó" - bà Duy Oanh bày tỏ sự tiếc rẻ.
Bình luận (0)